Hướng dẫn triển khai Nghị định 111/2022/NĐ-CP

Theo đó văn bản hướng dẫn về ký kết hợp đồng thực hiện công việc hỗ trợ, phục vụ và thực hiện công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Về Ký kết hợp đồng thực hiện công việc hỗ trợ, phục vụ

Căn cứ quy định tại Nghị định số 111/2022/NĐ-CP, Đề án vị trí việc làm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhu cầu sử dụng nhân lực và kinh phí, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập ký kết hợp đồng dịch vụ để thực hiện các công việc hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan, đơn vị mình; trường hợp không có đơn vị cung cấp dịch vụ đáp ứng yêu cầu thì ký kết hợp đồng lao động với cá nhân để thực hiện công việc nêu trên.

Thẩm quyền ký kết hợp đồng: Đối với cơ quan hành chính là đầu mối được giao biên chế và kinh phí quản lý hành chính từ ngân sách nhà nước do người đứng đầu cơ quan hành chính ký hợp đồng và quyết định số lượng hợp đồng hoặc có thể phân cấp, ủy quyền bằng văn bản cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc hoặc trực thuộc thực hiện; Đối với đơn vị sự nghiệp công lập do người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập ký hợp đồng, nếu không trực tiếp ký hợp đồng thì có thể ủy quyền cho người đứng đầu đơn vị thuộc hoặc trực thuộc thực hiện. Việc ủy quyền phải được thực hiện bằng văn bản.

Về ký kết hợp đồng thực hiện công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong trong đơn vị sự nghiệp công lập

Hợp đồng thực hiện công việc chuyên môn, nghiệp vụ: Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định số 111/2022/NĐ-CP, Đề án vị trí việc làm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhu cầu sử dụng nhân lực và kinh phí:

Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (sau đây gọi là đơn vị nhóm 1) và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên (sau đây gọi là đơn vị nhóm 2) ký kết hợp đồng lao động để làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ ở vị trí việc làm do viên chức đảm nhiệm theo nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực của đơn vị.

Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (sau đây gọi là đơn vị nhóm 3) ký kết hợp đồng lao động làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước để đáp ứng nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực còn thiếu so với định mức số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập do bộ quản lý ngành, lĩnh vực ban hành.

Đối với đơn vị tự bảo đảm dưới 70% chi thường xuyên hoặc đơn vị chưa được giao quyền tự chủ tài chính thì phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập thống nhất trước khi thực hiện.

Đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (sau đây gọi là đơn vị nhóm 4), trừ đơn vị thuộc lĩnh vực sự nghiệp giáo dục và y tế, được ký kết hợp đồng lao động có thời gian không quá 12 tháng để làm công việc ở vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung để bổ sung nhân lực còn thiếu so với số lượng người làm việc được cấp có thẩm quyền giao hoặc để kịp thời thay cho số viên chức nghỉ thai sản, thôi việc, nghỉ hưu.

Đơn vị nhóm 4 thuộc lĩnh vực sự nghiệp giáo dục và y tế ký kết hợp đồng lao động có thời gian không quá 12 tháng để làm công việc ở vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung để bổ sung nhân lực còn thiếu so với số lượng người làm việc được cấp có thẩm quyền giao hoặc để kịp thời thay cho số viên chức nghỉ thai sản, thôi việc, nghỉ hưu.

 Trường hợp số lượng người làm việc được giao ít hơn so với số lượng theo định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế ban hành và đơn vị có nhu cầu hợp đồng lao động thì đơn vị phải xây dựng kế hoạch hợp đồng lao động (số lượng đề nghị hợp đồng thực hiện theo khoản 4 Điều 9 Nghị định số 111/2022/NĐ-CP) cùng với kế hoạch số lượng người làm việc hàng năm, báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ) xem xét, tổng hợp, trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định. Đơn vị thực hiện ký kết hợp đồng trong tổng số hợp đồng đã được Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định.

Đơn vị nhóm 3 và đơn vị nhóm 4 còn số lượng người làm việc đã được cấp có thẩm quyền giao thì phải thực hiện tuyển dụng đối với số được giao.

Thẩm quyền ký hợp đồng: Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hoặc người được ủy quyền ký hợp đồng.

Ngoài ra văn bản có một số lưu ý khi thực hiện hợp đồng lao động như:

Các cơ quan, đơn vị thực hiện tuyển dụng số lượng người làm việc (viên chức) hưởng lương từ ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền giao; không dùng hình thức ký kết hợp đồng quy định tại Nghị định số 111/2022/NĐ-CP để thay thế cho việc tuyển dụng viên chức.

Không ký hợp đồng làm chuyên môn, nghiệp vụ trong cơ quan hành chính và hợp đồng dịch vụ làm chuyên môn, nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Người được ký hợp đồng lao động phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 8 đối với trường hợp cá nhân ký kết hợp đồng lao động làm công việc hỗ trợ, phục vụ hoặc khoản 1 Điều 10 đối với trường hợp cá nhân ký kết hợp đồng lao động làm chuyên môn, nghiệp vụ quy định tại Nghị định số 111/2022/NĐ-CP và theo Khung năng lực vị trí việc làm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Người ký hợp đồng lao động làm chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định tại Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 03/7/2020 của Chính phủ về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế thì tiếp tục thực hiện công việc đến hết thời hạn hợp đồng và được ưu tiên ký hợp đồng làm chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của Nghị định số 111/2022/NĐ-CP nếu các bên còn nhu cầu.

Người đã được tuyển vào biên chế trước ngày Nghị định số 25/CP ngày 23/5/1993 của Chính phủ có hiệu lực và đang làm các công việc quy định tại Điều 4 Nghị định số 111/2022/NĐ-CP thì không chuyển sang thực hiện chế độ hợp đồng.

Hợp đồng lao động phải được ký kết theo quy định của pháp luật lao động và quy định tại Nghị định số 111/2022/NĐ-CP. Người sử dụng lao động có trách nhiệm quan tâm đến chế độ, chính sách, quyền lợi hợp pháp của người lao động.

Người lao động làm công việc hỗ trợ, phục vụ quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 111/2022/NĐ-CP được hưởng tiền lương và các chế độ khác theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động. Tiền lương trong hợp đồng lao động áp dụng một trong hai hình thức: Áp dụng mức tiền lương theo thỏa thuận phù hợp với quy định của pháp luật lao động hoặc áp dụng tiền lương theo bảng lương của công chức, viên chức phù hợp với khả năng ngân sách của cơ quan, đơn vị. Trường hợp thỏa thuận áp dụng tiền lương theo bảng lương của công chức, viên chức thì các loại phụ cấp được hưởng (nếu có) được tính vào tiền lương; chế độ nâng bậc lương và các chế độ, chính sách khác có liên quan đến tiền lương thực hiện như công chức, viên chức.

Sở Nội vụ giới thiệu toàn văn Văn bản số 374/SNV-CCVC tại đây.



Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác