Cách mạng Tháng tám thành công, Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ
Chí Minh đặc biệt quan tâm, đánh giá cao vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của
công tác văn thư, lưu trữ (VTLT) và tài liệu lưu trữ quốc gia, mà trước hết là
vấn đề xây dựng hệ thống tổ chức lưu trữ Việt Nam. Ngày 8/9/1945, Chủ tịch Hồ
Chí Minh đã ký Sắc lệnh cử Giám đốc Nha Lưu trữ công văn và Thư viện toàn quốc.
Việc thành lập Nha Lưu trữ công văn và Thư viện toàn quốc - cơ quan làm chức
năng quản lý công tác lưu trữ cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngay
sau Cách mạng Tháng tám thành công là sự kiện đáng ghi nhận trong quá trình
phát triển của ngành Lưu trữ Việt Nam. Tuy nhiên thời gian này, một hiện tượng
phổ biến xảy ra ở các công sở là hồ sơ, tài liệu của chế độ cũ để lại đã bị một
số viên chức tùy tiện tiêu hủy hoặc đem bán. Vì vậy, ngày 3/1/1946, Chủ tịch Hồ
Chí Minh đã ký Thông đạt số 1C/ VP gửi các bộ trưởng nêu rõ: “Xét rằng một vài
công sở đã tự tiện hủy bỏ hay bán các công văn và hồ sơ cũ. Hành động ấy có
tính cách phá hoại... Vậy yêu cầu các ông bộ trưởng ban chỉ thị cho nhân viên
các sở phải gìn giữ tất cả các công văn, tài liệu và cấm không được hủy những
công văn, tài liệu ấy”. Như vậy, bản thông đạt ra đời đã đánh dấu một mốc son
cho công tác lưu trữ Việt Nam, nó không những là văn bản pháp lý đầu tiên của
nhà nước ta về công tác lưu trữ, mà quan trọng là kịp thời ngăn chặn tình trạng
tuỳ tiện hủy bỏ hồ sơ, tài liệu lưu trữ và nâng cao ý thức của cán bộ, nhân dân
đối với việc giữ gìn và phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ quốc gia.
Ngày 4/9/1962, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định số
102-CP về việc thành lập Cục Lưu trữ trực thuộc Phủ Thủ tướng. Đây là cơ quan
có chức năng giúp nhà nước quản lý tập trung, thống nhất công tác lưu trữ và thực
hiện nhiệm vụ tham mưu cho nhà nước trong việc ban hành các chế độ, quy định về
công tác lưu trữ. Việc thành lập Cục Lưu trữ Phủ Thủ tướng - cơ quan quản lý
toàn quốc về công tác lưu trữ đã khẳng định một bước tiến quan trọng về xây dựng
tổ chức của ngành Lưu trữ Việt Nam. Từ đây, nước ta có một cơ quan quản lý cao
nhất về công tác lưu trữ, tạo điều kiện xây dựng ngành Lưu trữ nước ta với hệ
thống tổ chức và đội ngũ cán bộ, hệ thống các văn bản pháp lý và cơ sở khoa học
nghiệp vụ ngày càng hoàn chỉnh hơn.
Trải qua nhiều năm hình thành và phát triển, ngành Lưu trữ Việt
Nam đã mang nhiều tên gọi và trực thuộc nhiều cơ quan Trung ương như: “Nha Lưu
trữ công văn và thư viện toàn quốc” thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục từ ngày
8/9/1945; “Cục Lưu trữ thuộc Phủ Thủ tướng” từ ngày 4/9/1962; “Cục Lưu trữ Nhà
nước” thuộc Hội đồng Bộ trưởng từ năm 1984-1991; nay là Cục Văn thư và Lưu trữ
Nhà nước thuộc Bộ Nội vụ. Mặc dù gặp nhiều khó khăn thử thách, qua nhiều biến cố
thăng trầm của lịch sử, nhất là trong những năm chiến tranh phá hoại của đế quốc
Mỹ ở miền Bắc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ kính yêu, của Chính phủ và
lãnh đạo ngành Lưu trữ Việt Nam, hàng vạn cán bộ, nhân viên làm công tác văn
thư, lưu trữ cả nước đã tham gia chiến đấu, lao động quên mình để góp phần gìn
giữ những ký ức dân tộc, bảo vệ an toàn trên 30 km tài liệu lưu trữ trong đó có
những tài liệu đặc biệt quý hiếm là bản gốc tài liệu hành chính có giá trị lịch
sử pháp lý và hiệu lực thi hành cao nhất, có giá trị thông tin mang tính chân
thực lịch sử. Những tài liệu giá trị này đã và đang phục vụ có hiệu quả các nhu
cầu nghiên cứu, góp phần thiết thực vào việc khôi phục nhiều công trình quan trọng
sau chiến tranh cũng như phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và phát triển
KT-XH của đất nước.

(Chi cục
Văn thư Lưu trữ tỉnh Nam Định năm 2015)
Ở tỉnh Nam Định, ngay từ những năm đầu lập lại, UBND tỉnh xác
định tài liệu lưu trữ quốc gia là di sản của dân tộc, là cầu nối trực tiếp giữa
quá khứ với hiện tại và hết sức quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng nền hành
chính nhà nước cũng như trong đời sống xã hội. Vì vậy, tỉnh đã tập trung chỉ đạo
các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố chú trọng công tác bảo quản, giữ
gìn, phát huy giá trị tài liệu sau chia tỉnh, nhất là hồ sơ tổ chức bộ máy, cán
bộ, hồ sơ khen thưởng kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và nhiều loại hồ sơ tài
liệu quan trọng khác.
Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ chính trị, UBND tỉnh đã có Quyết
định số 1846/2000/QĐ-UB ngày 24/8/2000 về
việc thành lập Trung tâm Lưu trữ tỉnh thuộc Văn phòng UBND tỉnh, có chức năng,
nhiệm vụ giúp UBND tỉnh và Văn phòng UBND tỉnh thực hiện quản lý nhà nước hướng
dẫn nghiệp vụ về công tác văn thư, lưu trữ trên địa bàn toàn tỉnh và chịu sự chỉ
đạo về nghiệp vụ, chuyên môn của Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước. Tại các cơ
quan, tổ chức từ tỉnh đến cơ sở hầu hết đã bố trí cán bộ trực tiếp làm công tác
văn thư, lưu trữ ở đơn vị mình, bảo đảm tiêu chuẩn ngạch bậc theo quy định và
thực hiện thống nhất nghiệp vụ văn thư, lưu trữ. Để phù hợp tình hình công tác
lưu trữ trong thời kỳ mới, căn cứ Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 4/6/2008,
UBND tỉnh có Quyết định số 1978/QĐ-
UBND ngày 01/10/2008 về việc chuyển Trung tâm Lưu trữ Văn phòng UBND tỉnh về
thuộc Sở Nội vụ. Tiếp đó Bộ Nội vụ có Thông tư số 02/2010/TT-BNV ngày 28/4/2010
hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức Văn thư, Lưu trữ các cấp.
UBND tỉnh Nam Định có Quyết định số 2694/QĐ-UBND ngày 10/12/2010 về việc thành
lập Chi cục Văn thư - Lưu trữ trên cơ sở hợp nhất Phòng Quản lý Văn thư, Lưu trữ
thuộc Sở Nội vụ và Trung tâm Lưu trữ tỉnh. Chi cục Văn thư - Lưu trữ có chức
năng giúp Giám đốc Sở Nội vụ tham mưu cho UBND tỉnh Nam Định thực hiện công tác
quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ của tỉnh và trực tiếp quản lý tài liệu lưu
trữ lịch sử của tỉnh theo quy định của pháp luật. Thực hiện Nghị định 107/2020/NĐ-CP
ngày 14/9/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định
24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên
môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Nghị định 158/2018/NĐ-CP
ngày 22/11/2018 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ
chức hành chính; Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy
định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp. Trên cơ sở tổ chức lại
Chi cục Văn thư - Lưu trữ ngày 30/12/2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định
ban hành quyết định số 3143/QĐ-UBND thành lập Trung tâm Lưu trữ tỉnh Nam Định
và đồng thời chuyển chức năng quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ cho Phòng
Văn thư - Lưu trữ thuộc Sở Nội vụ.

(Trung
tâm Lưu trữ tỉnh Nam Định năm 2021)
Hiện
nay, Trung tâm Lưu trữ tỉnh Nam Định là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở
Nội vụ có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng; chịu sự chỉ đạo, quản
lý trực tiếp về chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ, tổ chức, nhân lực, hoạt động,
tài chính và cơ sở vật chất của Sở Nội vụ đồng thời chịu sự hướng dẫn về chuyên
môn, nghiệp vụ của Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước trực thuộc Bộ Nội vụ. Trung tâm Lưu trữ có chức năng trực tiếp quản lý tài liệu lưu trữ
lịch sử; tổ chức thu thập, chỉnh lý, bảo quản, khai thác, tổ chức sử dụng và
phát huy giá trị tài liệu lưu trữ; thực hiện các dịch vụ công về lưu trữ theo
quy định của pháp luật.
Phòng Văn thư - Lưu trữ có nhiệm vụ giúp Giám đốc Sở Nội vụ
trình UBND tỉnh ban hành quy hoạch, kế hoạch dài hạn, hàng năm, các chương
trình, đề án, dự án và tổ chức thực hiện chế độ, quy định về văn thư, lưu trữ;
hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các chế độ, quy định về văn thư, lưu trữ;
phê duyệt thẩm định “Danh mục nguồn và thành phần tài liệu thuộc diện nộp vào
Lưu trữ lịch sử của tỉnh”; “Danh mục tài liệu hết giá trị” của Lưu trữ lịch sử
của tỉnh; “Danh mục tài liệu hết giá trị” bảo quản tại cơ quan, tổ chức thuộc
nguồn nộp lưu vào lưu trữ lịch sử của tỉnh; nghiên cứu, ứng dụng khoa học và
công nghệ vào công tác văn thư, lưu trữ; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ
văn thư, lưu trữ; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về
văn thư, lưu trữ; thực hiện báo cáo, thống kê về văn thư, lưu trữ; sơ kết, tổng
kết công tác văn thư, lưu trữ; thực hiện công tác thi đua, khen thưởng về văn
thư, lưu trữ; hướng dẫn các cơ quan, tổ chức thực hiện thống nhất các quy định
của pháp luật về văn thư, lưu trữ.
Bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao, những năm qua tổ chức,
bộ máy ngành Văn thư, Lưu trữ tỉnh nhà không ngừng củng cố và phát triển về cả
số lượng và chất lượng. Đến nay toàn tỉnh có 540 cơ quan, tổ chức có bộ phận
văn thư, lưu trữ, trong đó cấp tỉnh có 194 đơn vị, cấp huyện có 120 đơn vị, cấp
xã có 226 đơn vị. Đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn thư, lưu trữ của tỉnh
ngày được trẻ hóa, có trình độ, năng lực, nhiệt tình và trách nhiệm không quản
ngại khó khăn, tích cực tham mưu lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành
phố theo dõi, ban hành, quản lý văn bản; phục vụ tốt công tác chỉ đạo, điều
hành của các cơ quan, tổ chức. Cơ sở vật chất phục vụ công tác văn thư, lưu trữ
tiếp tục được đầu tư đúng mức. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác
văn thư, lưu trữ ngày càng được chú trọng, phục vụ tốt mục tiêu cải cách hành chính, Chính
phủ điện tử, chuyển đổi số trong thời kỳ mới của các cơ quan, tổ chức.
Với sự quan tâm, hỗ trợ đầy trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh và
thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong tỉnh, hy vọng ngành Văn thư - Lưu trữ tỉnh
nhà sẽ khắc phục mọi khó khăn, thử thách, vươn lên thực hiện hoàn thành xuất sắc
nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, góp phần tích cực vào sự nghiệp
xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
LÃNH ĐẠO NGÀNH VĂN THƯ - LƯU TRỮ TỈNH NAM ĐỊNH QUA CÁC THỜI KỲ

Ông Trần Xuân Đặng - Giám đốc
Trung tâm Lưu trữ từ 2000 đến năm 2009

Ông Trần Quý Phong - Phó
Giám đốc Sở Nội vụ kiêm Chi cục trưởng
Chi cục Văn thư - Lưu
trữ giai đoạn 2011 - 2017

Bà Trần Thị Thu Hương
Giám đốc Trung tâm Lưu trữ - Sở Nội
vụ năm 2010
Chi cục trưởng Chi cục Văn thư -
Lưu trữ giai đoạn 2017 - 2020
Giám đốc Trung tâm Lưu trữ tỉnh
Nam Định hiện nay từ 01/2021.