Nam Định quyết tâm sáp nhập thôn, xóm, tổ dân phố

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về: “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đối với chính quyền địa phương là: “Khẩn trương, cương quyết sắp xếp, sáp nhập các thôn, tổ dân phố không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định của Nhà nước”. Để triển khai nhiệm vụ này, Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn địa phương tổ chức thực hiện. Ngày 13/8/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Thông báo số 280-TB/TU về chủ trương sắp xếp, sáp nhập thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2022, trong đó đối với các thôn, xóm, tổ dân phố có quy mô số hộ gia đình dưới 50% tiêu chí theo quy định thì thực hiện sáp nhập với thôn, xóm, tổ dân phố liền kề; khuyến khích các thôn, xóm, tổ dân phố đạt từ 50% quy mô số hộ gia đình trở lên thực hiện sáp nhập ở những nơi đủ điều kiện.

Tỉnh ủy Nam Định chỉ đạo hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở phải quyết tâm cao, nhất quán trong nhận thức về mục đích, sự cần thiết, tầm quan trọng, lợi ích của việc sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố trong phạm vi toàn tỉnh; trong quá trình thực hiện phải đảm bảo ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; không gây tâm lý hoang mang, làm xáo trộn đời sống sinh hoạt và luôn phải đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân. 

Khẩn trương thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, ngay ngày 19/8/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định ban hành Kế hoạch số 97/KH-UBND về thực hiện sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Nam Định, giai 2021-2022; nội dung Kế hoạch nêu rõ, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố hoàn thành xây dựng phương án tổng thể, chậm nhất là ngày 30/9/2021; Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn xây dựng đề án chi tiết, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua chậm nhất là ngày 20/10/2021; Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định và thực hiện từ ngày 01/01/2022.

Tiếp đó, 01 ngày sau khi Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 73/KH-UBND, Sở Nội vụ có Hướng dẫn số 1786/HD-SNV triển khai thực hiện một số nội dung về việc sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2022; trong Hướng dẫn nêu rõ trình tự các bước thực hiện sáp nhập, hồ sơ sáp nhập và việc lấy ý kiến cử tri. Đặc biệt, trong Hướng dẫn đã mẫu hoá 09 loại văn bản, đảm bảo việc triển khai được thống nhất, đúng quy trình, quy định của pháp luật.

Những động thái trên thể hiện sự chủ động, quyết liệt, quyết tâm của tỉnh Nam Định trong công tác sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Nam Định có 3.674 thôn, xóm, tổ dân phố (2.905 thôn, xóm và 769 tổ dân phố), với 614.646 hộ gia đình, tổng số người đang làm việc tại các thôn, xóm, tổ dân phố là 26.308 người (người hoạt động không chuyên trách là 7.964 người, các chức danh khác là 18.344 người). Với số lượng như trên và theo quy định tại Thông tư số 14/2018/TT-BNV của Bộ Nội vụ thì tỉnh Nam Định có 1.859 thôn, xóm, tổ dân phố không đủ tiêu chuẩn phải thực hiện sáp nhập (1.293 thôn, xóm và 566 tổ dân phố), dôi dư 13.579 người làm việc tại thôn, xóm, tổ dân phố (dôi dư người hoạt động không chuyên trách là 3.718 người, dôi dư các chức danh khác là 9.861 người).

Thôn, xóm, tổ dân phố không phải là một cấp hành chính mà là một tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư. Ở đó, người dân thực hiện dân chủ trực tiếp và rộng rãi để phát huy các hình thức hoạt động tự quản, việc tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước được thực thi trên thực tế. Sự hình thành các thôn, xóm, tổ dân phố mang yếu tố lịch sử, thay đổi tùy theo điều kiện của từng giai đoạn. Việc thực hiện sáp nhập sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống cộng đồng dân cư; tâm lý xáo trộn, e ngại của người dân khi phải thay đổi các loại giấy tờ liên quan, nếp sống sinh hoạt cộng đồng và tâm tư của đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, xóm, tổ dân phố khi không còn tiếp tục được thực hiện nhiệm vụ…

Nhận thức những khó khăn nói trên, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Nam Định không chỉ đặt ra quyết tâm để thực hiện thành công việc sáp nhập thôn, xóm, tổ dân phố mà vừa phải chủ động, quyết liệt thực hiện, vừa phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận, đoàn kết, thống nhất trong nhân dân. Do đó, việc sáp nhập theo các tiêu chí quy định, thì cần phải xem xét, cân nhắc các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa, phong tục, tập quán của cộng đồng dân cư; đặc điểm tự nhiên, kết cấu hạ tầng, thiết chế văn hóa… cho phù hợp để bảo đảm sự ổn định, tính kế thừa và phát triển chứ không chỉ đặt nặng yếu tố quy mô hộ gia đình. Đối với những người làm việc tại thôn, xóm, tổ dân phố sau sáp nhập bị dôi dư, không được tiếp tục tham gia công việc tại thôn, tổ dân phố phải có chính sách hỗ trợ kịp thời, đúng quy định do họ đều là những người có uy tín, nhiệt tình, có trách nhiệm với cộng đồng dân cư và đã được người dân bầu chọn.

Sẽ còn rất nhiều việc phải làm, nhiều khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn đòi hỏi phải tháo gỡ, giải quyết, nhưng với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân, tin tưởng rằng công tác sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố của tỉnh Nam Định sẽ đảm bảo đúng yêu cầu, tiến độ theo Kế hoạch đã đề ra./.

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác