Nam Định, Thành phố tròn 100 năm tuổi

Bản đồ thành phố Nam Định năm 1924. Nguồn sưu tầm

Trước khi Nam Định được công nhận là thành phố và hưởng quy chế của thành phố cấp 3, đã có rất nhiều công văn trao đổi giữa Công sứ Pháp tại Nam Định, Thống sứ Bắc Kỳ và Toàn quyền Đông Dương, thông tri của Công sứ Nam Định, các cuộc họp của Hội đồng xứ Bảo hộ Bắc Kỳ… bàn thảo về vấn đề này. Trong đó, đáng chú ý là Công văn số 1602 ngày 14/4/1921 của Morel, Công sứ Pháp tại Nam Định gửi Thống sứ Bắc Kỳ có đoạn viết:

“Tôi rất vinh dự được đề nghị Ngài chấp thuận việc nâng cấp Nam Định lên thành thành phố trong điều kiện quy định tại Nghị định ngày 31/12/1914.

Sở dĩ tôi đưa ra lời đề nghị này là vì nguyện vọng của người dân và vì bản thân tôi cũng cho rằng đây là việc làm cần thiết và mang tính cấp bách.

Trong các văn bản chính thức, Nam Định được đặt trên nền móng như Hà Nội và Hải Phòng.

Dân số của Nam Định được cho là cao hơn dân số của Hải Phòng. Năm 1920, số người bản xứ và người châu Á ở Nam Định bị đánh thuế môn bài là 2580 người trong khi Hà Nội là 4133 người và Hải Phòng là 1422 người.

Nam Định là trung tâm kỹ nghệ của Bắc Kỳ về sợi dệt, vải lụa và vải bông. Từ cơ sở là một xưởng sản xuất lụa thuần túy, Công ty Bông đã trở thành một nhà máy lớn, với số lượng thiết bị, nhà xưởng tăng lên gấp đôi và một máy dệt có công suất 2.800 mã lực cũng đã được tăng cường vào hệ thống máy móc của nhà máy. Tôi hi vọng việc nhận thầu cung cấp nước và điện tới đây sẽ gia tăng các điểm tương đồng giữa Nam Định với Hà Nội và Hải Phòng”.

Theo Biên bản cuộc họp ngày 01/8/1921, Hội đồng Bảo hộ xứ Bắc Kỳ đã thảo luận về 3 bản dự thảo nghị định liên quan đến ranh giới thị xã Nam Định, chế độ thuế của trung tâm đô thị này và việc nâng cấp thị xã này lên thành thành phố, đã có rất nhiều ý kiến được đưa ra:

Ngài Thân Trọng Huề cho rằng những dự thảo này là bước tiến thực sự cho tình hình hiện nay và bày tỏ mong muốn dự thảo sớm được thông qua. Tuy nhiên, ông cũng đặt câu hỏi liệu cuộc cải cách này có thể thành công hay không nếu không có ý kiến tán đồng của Đức vua An Nam. Theo ông ta nên đề nghị Triều đình Huế ra Chỉ dụ về nguyên tắc cho phép nâng cấp những thị xã của Bắc Kỳ thành thành phố.

Luật sư Bourayne nhất trí với nhận xét của Ngài Thân Trọng Huề và muốn biết thành phố tương lai sẽ mang quốc tịch gì. Trong bối cảnh luật pháp hiện nay và các hiệp ước hiện hành, chỉ có thể thành lập các thành phố của người An Nam tại Bắc Kỳ. Vấn đề quan trọng là phải chỉ rõ xem liệu thành phố đó là của người An Nam hay của người Pháp để biết chắc chắn là thành phố đó được phép kiện ra cấp toà án nào. Nếu điểm này không được chỉ rõ, các toà án có quyền biểu quyết đồng ý và phản đối cho một thành phố có thể tuyên không đủ thẩm quyền. Nếu cấp toà án Pháp tuyên có đủ thẩm quyền, người ta có thể kiện trước toà nghị định nâng cấp thị xã Nam Định lên thành thành phố của Pháp là việc làm trái luật vì thành phố này nằm trên lãnh thổ An Nam.

Đại tướng Peyregne cũng cho rằng tại xứ Bảo hộ thì chỉ có thể là các thành phố của người An Nam và rằng nên gắn kết dự án về Nam Định với những dự án liên quan đến các Hội đồng và ngân sách thành phố An Nam nhằm giải quyết các vấn đề tồn đọng và ấn định quy chế quản lý tất cả các thành phố của Bắc Kỳ ngoài Hà Nội và Hải Phòng trên cùng một văn bản. Vấn đề đặt ra đối với Nam Định hiện nay cũng sẽ đặt ra đối với Bắc Ninh, Hải Dương ngày mai v.v...

Theo ý kiến của ông Sauvage, không nhất thiết phải chỉ rõ đâu là thành phố của Pháp hay của An Nam và về mặt pháp lý, thành phố đó sẽ phải thuân theo thông luật.

Ngài Thống sứ thì đưa ra nhận xét như sau:

Toàn quyền Đông Dương có đủ thẩm quyền nâng cấp các thị xã của các xứ thuộc địa lên thành thành phố ở Đông Dương thông qua các nghị định được chuẩn y tại Hội đồng Phủ Toàn quyền.

Các dự thảo văn bản liên quan đến Nam Định được lập dựa trên các quy định nêu trong sắc lệnh và nghị định trên đây. Chính bởi những biện pháp được đề xuất đều thuần tuý mang tính chất hành chính và không vi phạm đến các quy định về người và tài sản, do vậy, khi thực thi, không nhất thiết phải có sự tham gia của Triều đình Huế.

Mặt khác, phần lãnh thổ của thành phố tương lai gồm cả người Pháp, người Việt và Hội đồng thành phố được bầu ra để quản lý thành phố cũng cần phải có thành viên người Pháp và người Việt tham gia nên thật là phù phiếm khi nói rằng thành phố là của người Pháp hay của người Việt bởi vì ở đây, người ta sẽ thấy có một nhóm người Pháp-Việt. Nhưng vì không một sắc lệnh hay một nghị định nào trên đây nói về “thành phố hỗn hợp” nên chúng ta không thể đặt tên cho thành phố Nam Định là “thành phố hỗn hợp” được.

Về thẩm quyền xét xử, thành phố mới sẽ được quản lý theo thông luật. Vì thành phố gồm có cả các thành viên người Pháp nên thành phố chỉ được phép kiện trước các toà án Pháp. Chúng ta không thể mở rộng sang thành phố Nam Định mô hình tổ chức được thiết lập tại các làng xã của người An Nam, càng không thể đem áp dụng chế độ của người An Nam vào một nhóm người Pháp-Việt.

Tuy nhiên, ông Bourayne cho rằng dù thành phố Nam Định có người Pháp tham dự vẫn được coi như thành phố của người An Nam; hiện nay các toà án bản xứ cũng có người Pháp tham gia…”.

Trước những ý kiến nêu trên, ngày 02/9/1921, Toàn quyền Đông Dương đã có Công điện số 1517 trả lời Thống sứ Bắc Kỳ như sau:

“Phần lãnh thổ của thành phố Nam Định tương lai có thể bao gồm rất nhiều làng xã của người An Nam do các hội đồng kỳ mục quản lý. Không kể đến quyền hạn về quản lý thuế và kiểm soát, giữ gìn trật tự sắp tới sẽ được chuyển giao cho Hội đồng thành phố ngay khi được thành lập, các kỳ mục còn được trao một số quyền hạn nhất định như: quyền xét xử, quyền công chứng.v.v…

Họ chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hoạt động giao dịch bằng văn bản. Mà trong bối cảnh luật pháp hiện nay, Hội đồng thành phố không có thẩm quyền làm việc này. Do vậy, nếu các hội đồng kỳ mục không còn tồn tại nữa, khi muốn ký kết các giao kèo, dân bản xứ buộc phải tìm đến lục sự-công chứng viên.

Trong thời kỳ tổ chức trung tâm hành chính mới, có thuận lợi hơn không nếu duy trì các hội đồng kỳ mục và thẩm quyền của các hội đồng đó khi mà tất cả những điều đó không được quy định rõ ràng trong nghị định mới.

Thông qua các nghị định của thành phố về hoạt động của các cơ quan cấp thành phố, Công sứ Nam Định có thể được giao phụ trách giải quyết mối quan hệ giữa các cơ quan của trung tâm đô thị với hội đồng kỳ mục.

Do vậy, các hội đồng kỳ mục thuộc các làng nằm trong phạm vi thị xã được giữ nguyên chức vụ và các quyền hạn không được chuyển giao cho cơ quan mới[1]. Một số quy định về hoạt động của các cơ quan tại thành phố Nam Định do Công sứ - Đốc lý ban hành theo thể thức như nghị định của thành phố, sẽ quy định mối quan hệ giữa các hội đồng kỳ mục với các cơ quan này.

Chúng ta chỉ có thể giải quyết triệt để những khó khăn, vướng mắc bằng cách dò dẫm và điều chỉnh dần dần…”.

Ngày 17/10/1921, Toàn quyền Đông Dương chính thức ký ban hành Nghị định thành lập thành phố Nam Định. Nghị định gồm 7 phần, 21 điều, trong đó có:

Phố Hàng Sắt, Nam Định đầu thế kỷ XX. Nguồn sưu tầm

“Phần I. Quá trình hình thành và quản lý thành phố

Tỉnh Nam Định được nâng cấp lên thành thành phố. Ranh giới của thành phố được thể hiện trong bản đồ đính kèm nghị định số 2037 ngày 24/8/1921 của Thống sứ Bắc Kỳ. Theo Nghị định này, thành phố Nam Định được chia làm 3 khu vực.

Thành phố Nam Định do Công sứ mang chức danh Đốc lý cai quản. Giúp việc cho Đốc lý là Hội đồng thành phố gồm 4 thành viên người Âu và thành viên người bản xứ do Thống sứ Bắc Kỳ bổ nhiệm theo đề nghị của Đốc lý với nhiệm kỳ 3 năm.

Thành viên của Hội đồng được lựa chọn trong số các điền chủ, thương nhân có đóng thuế môn bài hoặc thân hào và có đủ các điều kiện như: 25 tuổi trở lên; không đảm nhận chức vụ nào và được trả thù lao từ ngân sách Đông Dương, ngân sách địa phương hoặc ngân sách thành phố; không can án.

Trường hợp khuyết, trống một số vị trí, Hội đồng thành phố phải tiến hành bổ nhiệm thành viên mới. Hội đồng thành phố có thể bị đình chỉ hoạt động hoặc giải tán theo quyết định của Thống sứ Bắc Kỳ.

Phần II. Quyền hạn của đốc lý

Đốc lý được giao: quản lý nguồn thu và giám sát hoạt động kế toán; đại diện cho Thành phố tại tòa án, với tư cách là nguyên đơn hoặc bị đơn; dự trù, đề xuất ngân sách và phát lệnh chi trả; chỉ đạo các công trình xây dựng và biện pháp liên quan đến hệ thống đường sá trong khu vực nội thành; ký kết giao kèo, hợp đồng và thi công các công trình của thành phố theo luật định; phụ trách vấn đề an ninh của thành phố; công bố, thực thi đạo luật và quy định và áp dụng mọi biện pháp an ninh chung và đảm nhận các chức năng theo luật định.

Đốc lý ban hành các nghị định để ra chỉ thị thực hiện các biện pháp mang tính địa phương về những nội dung được luật pháp quy định và cho phép theo dõi; công bố luật và quy định về an ninh, đồng thời kêu gọi công dân tuân thủ.

Đốc lý có quyền bổ nhiệm, đình chỉ hoặc cách chức các chức danh cấp thành phố nếu chưa có quy định đối với những chức danh này.

Phần III. Hội đồng thành phố

Hội đồng có quyền đề đạt nguyện vọng và cho ý kiến về những vấn đề như: ngân sách và báo cáo quyết toán; biểu thuế và quy định về việc thu lợi tức cho thành phố; các hợp đồng sử dụng hoặc cho thuê tài sản; sửa đổi ranh giới; mở đường, xây dựng quảng trường và các công trình công cộng; an ninh trong thành phố và vệ sinh công cộng; các vụ kiện và hòa giải; tài sản hiến tặng và di tặng.

Phần IV-VII quy định về ngân sách, quà biếu tặng, tài sản của thành phố và các thủ tục pháp lý…”

Sau khi thành lập vào năm 1921, cấu trúc kinh tế - xã hội và bộ mặt thành phố Nam Định đã có những biến đổi sâu sắc và toàn diện. Một loạt các công sở, dinh thự, trường học, nhà máy nhanh chóng mọc lên như: tòa Công sứ, tòa án, Sở Ngân khố, Sở Thương chính, Sở Y tế, Sở Lục lộ, trường học, Nhà máy rượu, Nhà máy nước, Nhà máy điện…  Những tuyến phố mới được rải nhựa, mạng lưới chiếu sáng đô thị được lắp đặt. Các kho tàng, bến bãi, nhà ga xe lửa từng bước được hoàn thiện và mở rộng. Dân cư thành Nam cũng tăng nhanh với một kết cấu mới và đủ các thành phần: công nhân, tư sản, tiểu tư sản, học sinh, trí thức, quan chức thực dân và bản xứ cùng một bộ phận không nhỏ người dân vùng ven. Đây cũng chính là tiền đề giúp Nam Định từng bước trở thành một trong ba đô thị lớn nhất Bắc Kỳ thời Pháp thuộc.

Trường sơ đẳng Đại Lễ (Vụ Bản, Nam Định). Nguồn Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác