Những vấn đề lưu ý khi bình xét và đề nghị khen thưởng tổng kết năm học 2021-2022
Thực hiện Kế hoạch số 25/KH-UBND ngày 24/02/2022 của UBND tỉnh Nam Định về triển khai thực hiện công tác thi đua, khen thưởng năm 2022; để đánh giá kết quả các phong trào thi đua, biểu dương khen thưởng thành tích xuất sắc của các tập thể, cá nhân thuộc ngành giáo dục và đào tạo của tỉnh; ngày 24/5/2022, Sở Nội vụ đã ban hành văn bản số 941/SNV-TĐKT về việc hướng dẫn tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm học 2021-2022; trong đó, nêu rõ các vấn đề cần lưu ý khi bình xét và đề nghị khen thưởng tổng kết năm học 2021-2022, cụ thể như sau:
- Thực hiện dân chủ, công khai trong bình xét và đề nghị khen thưởng các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng cho tập thể, cá nhân; đảm bảo đúng đối tượng, tiêu chuẩn và có thành tích thực sự trong công tác, đóng góp vào việc thực hiện nhiệm vụ chung của ngành, đơn vị, địa phương.
- Trong quá trình xem xét và đề nghị khen thưởng, cần chú ý đến điều kiện và phạm vi ảnh hưởng thành tích đạt được của tập thể, cá nhân. Quan tâm khen thưởng những tập thể có nhiều sáng tạo, mô hình mới đem lại hiệu quả cao trong công tác dạy và học; tập thể từ yếu kém phấn đấu trở thành điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua; cá nhân trực tiếp giảng dạy, có nhiều sáng kiến, giải pháp mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác.
- Chỉ xét tặng danh hiệu thi đua đối với các tập thể, cá nhân có đăng ký thi đua.
- Chưa khen thưởng đối với tập thể, cá nhân đang trong thời gian cơ quan có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật hoặc đang điều tra, thanh tra, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm hoặc có đơn thư khiếu nại, tố cáo đang được xác minh, làm rõ.
- Các tập thể đề nghị tặng Cờ thi đua của Chính phủ, Cờ thi đua của UBND tỉnh phải là đơn vị tiêu biểu xuất sắc, dẫn đầu các khối thi đua của Sở Giáo dục và Đào tạo, ngành giáo dục đào tạo các huyện, thành phố; được khối thi đua suy tôn, bình xét.
- Đối với tập thể, cá nhân đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước, cấp tỉnh trong thời gian xét thành tích khen thưởng phải được cấp có thẩm quyền đánh giá, công nhận “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”; tập thể có tổ chức Đảng, đoàn thể thì tổ chức Đảng, đoàn thể phải được đánh giá “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên.
- Đối với cá nhân là cấp trưởng các đơn vị, việc đề nghị khen thưởng phải gắn với thành tích của tập thể cá nhân được giao phụ trách (Tập thể được đánh giá, xếp loaị “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”).
+ Đối với cá nhân là Đảng viên khi đề nghị khen thưởng phải được cấp có thẩm quyền đánh giá, công nhận là Đảng viên “hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên.
- Đối với các trường Đại học, Cao đẳng thuộc các Bộ, ngành Trung ương, chỉ xét đề nghị tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc đóng góp cho công tác giáo dục và đào tạo của tỉnh.
- Việc đánh giá, công nhận phạm vi ảnh hưởng, hiệu quả áp dụng của sáng kiến, giải pháp công tác, đề tài nghiên cứu khoa học để làm căn cứ xét tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” và các hình thức khen thưởng theo quy định do người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương có thẩm quyền xem xét, công nhận (Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Hiệu trưởng các trường Đại học, Cao đẳng). Sáng kiến, giải pháp công tác, đề tài nghiên cứu khoa học là căn cứ xét tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh”, “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” do Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ xem xét, công nhận.
- Các tập thể, cá nhân đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen hoặc được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương thì sau 02 năm nếu đạt tiêu chuẩn theo quy định được đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen (trừ các hình thức khen thưởng chuyên đề, đột xuất).
- Khi xét đề nghị Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được phải lấy kết quả khen thưởng thành tích toàn diện trong công tác giáo dục và đào tạo của tập thể và cá nhân (khen thưởng tổng kết năm học) làm căn cứ để xét khen thưởng. Kết quả khen thưởng theo chuyên đề, theo đợt, khen thưởng đột xuất được ghi nhận và ưu tiên khi xét khen thưởng.
- Báo cáo thành tích thực hiện theo mẫu đối với từng hình thức và đối tượng đề nghị khen thưởng, có xác nhận của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương cấp trình khen (Phụ lục kèm theo Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ). Phần xác nhận báo cáo thành tích của cấp trình khen cần ghi rõ:
+ Xác nhận kết quả đánh giá việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hàng năm của tập thể, cá nhân trong thời gian xét đề nghị khen thưởng (đối với từng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng).
+ Việc chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
+ Xác nhận phạm vi ảnh hưởng, hiệu quả áp dụng của sáng kiến,giải pháp công tác, đề tài nghiên cứu khoa học của cá nhân làm căn cứ đề nghị khen thưởng.
- Đối với tập thể là Phòng, đơn vị thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, phòng Giáo dục và đào tạo thuộc UBND các huyện, thành phố và cá nhân thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo và thuộc phòng Giáo dục và đào tạo các huyện, thành phố, lấy kết quả đánh giá, xếp loại cuối năm công tác và kết quả thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao theo năm học làm cơ sở xem xét đề nghị khen thưởng.
- Khi lập hồ sơ đề nghị khen thưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo; UBND các huyện, thành phố; các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh làm riêng các loại sau:
+Tờ trình đề nghị UBND tỉnh tặng Cờ thi đua.
+ Tờ trình đề nghị UBND tỉnh tặng danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”.
+ Tờ trình đề nghị UBND tỉnh tặng Bằng khen.
+ Tờ trình đề nghị UBND tỉnh tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh”.
+ Tờ trình đề nghị tặng Cờ thi đua của Chính phủ.
+ Tờ trình đề nghị phong tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”.
+ Tờ trình đề nghị tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
+ Tờ trình đề nghị tặng Huân chương.
(Các văn bản trong hồ sơ khen thưởng có từ 02 tờ trở lên phải đóng dấu giáp lai của đơn vị, địa phương trình khen).
Chi tiết Văn bản tại đây./.
Ban Thi đua - Khen thưởng