image banner
Kết quả triển khai thực hiện các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh phát động
Lượt xem: 4373

Trong những năm qua, UBND tỉnh đã phát động, tổ chức triển khai thực hiện nhiều phong trào thi đua nhằm cụ thể hóa các chương trình, kế hoạch, nghị quyết, quyết định về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh hàng năm và theo các giai đoạn cụ thể của Chính phủ, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh. Các phong trào thi đua đã có những đổi mới về nội dung, hình thức, thiết thực và hiệu quả, thu hút, tập hợp đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tham gia. Một số phong trào thi đua là sự tiếp nối, kế thừa của giai đoạn trước như Phong trào thi đua “Chung sức xây dựng Nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu”; “Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”; một số phong trào được triển khai thực hiện theo phát động của Thủ tướng Chính phủ như: “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019-2025; “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”; một số Phong trào được triển khai thực hiện theo yêu cầu nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh như: “Đẩy mạnh cải cách hành chính tỉnh Nam Định” giai đoạn 2021-2025”, “Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, hoàn thành sớm các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh” giai đoạn 2022-2025, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh Nam Định giai đoạn 2021- 2026.

1. Kết quả thực hiện các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh phát động

1.1. Phong trào thi đua “Chung sức xây dựng Nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu

anh tin bai

Ông Phạm Văn Sơn, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Giao Phong, huyện Giao Thủy (Điển hình tiên tiến trong phong trào xây dựng nông thôn mới).

Phong trào thi đua xây dựng NTM địa bàn tỉnh đã trở thành phong trào sâu rộng, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Kết quả đạt được trong xây dựng NTM những năm qua là yếu tố quan trọng góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của tỉnh. Giai đoạn 2011-2020, Nam Định là một trong 02 tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, cũng là 01 trong 02 tỉnh được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba thành tích trong xây dựng NTM (Nam Định cũng là tỉnh đầu tiên tại thời điểm đó có 100% xã, thị trấn, 100% huyện đạt chuẩn NTM, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 100% đơn vị cấp huyện, thành phố được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba).

Để phong trào tiếp tục đạt kết quả toàn diện, ngày 13/6/2022 UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND về tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Nam Định chung sức xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu” giai đoạn 2021-2025. Giai đoạn 2021-2025, tỉnh xác định mục tiêu xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu là nhiệm vụ trọng tâm, là nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội bền vững; Với phương châm “Dân cần - dân biết - dân bàn - dân làm - dân giám sát - dân hưởng thụ” và “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”các cấp, các ngành, các địa phương đang nỗ lực, cố gắng hoàn thành sớm các mục tiêu xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Đối với xã NTM nâng cao, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản các xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao. Với xã NTM kiểu mẫu, tập trung hoàn thành tiêu chí NTM kiểu mẫu và công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Phấn đấu đến năm 2025 có 25% số xã trở lên đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 50% số huyện đạt chuẩn NTM nâng cao và có huyện đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Đến thời điểm hiện tại đã vượt chỉ tiêu xã NTM nâng cao theo Nghị quyết số 06-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh.

anh tin bai

Nông thôn mới kiểu mẫu xã Giao Phong, huyện Giao Thuỷ, Nam Định

Tính đến tháng 6/2023, toàn tỉnh đã có 189 xã, thị trấn (chiếm 92,64% tổng số xã, thị trấn) được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Trong đó, có 18 xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Cụ thể, huyện Giao Thuỷ 8 xã, Xuân Trường 3 xã, Hải Hậu 1 xã, Vụ Bản 1 xã, Trực Ninh 2 xã, Mỹ Lộc 2 xã và Ý Yên 1 xã. Trong 18 xã NTM kiểu mẫu, có 10 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu nổi trội về lĩnh vực giáo dục, 3 xã về lĩnh vực văn hoá, 2 xã về lĩnh vực an ninh trật tự, 1 xã về lĩnh vực chuyển đổi số, 2 xã về lĩnh vực sản xuất. Xã Giao Phong, huyện Giao Thuỷ được lựa chọn là một trong 9 mô hình thí điểm của cả nước về xây dựng NTM thông minh (thời gian thực hiện giai đoạn 2023-2025).

Kết quả khen thưởng: Năm 2021 có 06 cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 14 tập thể, cá nhân được tặng Bằng khen của UBND tỉnh. Năm 2022, có 01 tập thể, 09 cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 28 cá nhân là nông dân tiêu biểu được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen. Năm 2023, có 01 cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; đến nay đã có 14 xã đạt chuẩn NTM Kiểu mẫu năm 2022 được tặng Bằng khen của UBND tỉnh thành tích tiêu biểu trong Phong trào thi đua “Xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025. Từ năm 2021 đến nay, UBND các huyện, thành phố đã tặng Giấy khen cho 111 tập thể, 157 cá nhân.

1.2. Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025

anh tin bai

Nghề thủ công mỹ nghệ chắp nứa tại xã Yên Tiến (Ý Yên) tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 500 lao động địa phương. Ảnh: Báo Nam Định

Ngày 30/6/2022 UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 85/KH-UBND về thực hiện Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025. Các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố đã ban hành kế hoạch hưởng ứng, triển khai; các huyện, thành phố đã gắn việc tổ chức triển khai Phong trào thi đua với thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao cũng như nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025 của địa phương. Phong trào ngày càng được triển khai sâu rộng, hiệu quả với sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhận được sự chung tay hưởng ứng của các  tầng lớp nhân dân. Phong trào đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, trong chương trình công tác của các cấp ủy, chính quyền, các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các hội, đoàn thể trong tỉnh; kết quả thực hiện phong trào thi đua là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại, bình xét và khen thưởng hàng năm của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh.

a) Kết quả triển khai các dự án thực hiện mục tiêu chương trình giảm nghèo

Đã triển khai 05 dự án, hoạt động của Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025: (1) Đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo; (2) Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; (3) Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; (4) Truyền thông và Giảm nghèo về thông tin; (5) Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình.

- Tổng số dự án, quy mô dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp: 13 dự án; với quy mô từ 25-30 hộ/dự án; có 01 dự án với quy mô 55 hộ/dự án (xã Xuân Phú, huyện Xuân Trường). Tổng số hộ tham gia là 488 hộ, trong đó hộ cận nghèo 379 hộ (chiếm 77,6%), hộ nghèo: 98 hộ, hộ mới thoát nghèo: 9 hộ và hộ dân tộc thiểu số là 2 hộ; Các dự án xây dựng đảm bảo phù hợp khả năng, điều kiện của các hộ tham gia, đáp ứng được yêu cầu của quy hoạch phát triển sản xuất từng địa phương và thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Kết quả dạy nghề cho cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và lao động có thu nhập thấp năm 2022: Tổng kinh phí đào tạo nghề cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và lao động có thu nhập thấp năm 2022 là 6.849 triệu đồng. Đến nay các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn, các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tuyển sinh và đang tiến hành đào tạo được 10 lớp (336 người) với số kinh phí là 1.122 triệu đồng đạt 16% (huyện Hải Hậu, huyện Xuân Trường, huyện Nam Trực).

- Hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu việc tìm người - người tìm việc: toàn tỉnh tổ chức 8 hội nghị tập huấn hướng dẫn ghi chép Phiếu thông tin người tìm việc cho cán bộ cơ sở tại địa phương; tổ chức 01 hội nghị tập huấn hướng dẫn ghi chép phiếu thông tin nhu cầu tuyển dụng lao động của người sử dụng lao động. Thu thập 148 Phiếu thông tin nhu cầu tuyển dụng lao động của người sử dụng lao động và cập nhật vào cơ sở dữ liệu của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Thu thập 1.399 Phiếu thông tin người tìm việc, trong đó: Trung tâm dịch vụ việc làm triển khai thu thập: 1.006 phiếu; các địa phương thu thập và bàn giao cho Trung tâm: 393 phiếu;

- Hỗ trợ giao dịch việc làm với quy mô lớn với 30 doanh nghiệp và 1.000 người lao động tham gia.

- Truyền thông về giảm nghèo thông tin:Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho 250 cán bộ phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hoá, Thông tin và Thể thao các huyện, thành phố; cán bộ phụ trách đài truyền thanh các xã, phường, thị trấn về chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025; hướng dẫn kỹ năng tuyên truyền về giảm nghèo bền vững trên hệ thống thông tin cơ sở; kỹ năng quản lý, vận hành Đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông.

- Truyền thông về giảm nghèo đa chiều: Tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức cho 482 đại biểu là lãnh đạo và cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp huyện và cấp xã về các chính sách giảm nghèo bền vững được chuyển tiếp thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. In cấp phát đến cộng đồng 18.750 tờ rơi quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025.

- Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình: Tổ chức 22 lớp tập huấn nâng cao năng lực kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022 cho 2.642 đại biểu.

b) Kết quả trong tổ chức thực hiện Phong trào thi đua

anh tin bai

Bàn giao Nhà đại đoàn kết cho hộ bà Vũ Thị Tý - Xóm 1 xã Xuân Phong, huyện Xuân Trường. Ảnh: Sưu tầm

Năm 2021, 2022, 6 tháng đầu năm 2023 quỹ “Vì người nghèo” các cấp trong tỉnh đã vận động được 23 tỷ 665 triệu đồng. Từ nguồn quỹ “Vì người nghèo” cùng cá nguồn vận động khác, Mặt trận các cấp đã phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội, các nhà tài trợ xây mới 314 nhà trị giá 14 tỷ 802 triệu đồng; sửa chữa 42 nhà trị giá 619 triệu đồng. Phối hợp thăm hỏi, tặng quà cho 21.933 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng số tiền hơn 6.151.724 triệu đồng.

Năm 2022, các cấp, các ngành đã tổ chức tốt việc thăm, tặng quà, chúc thọ và trợ cấp cho các đối tượng trong dịp Tết nguyên đán và ngày Thương binh liệt sĩ 27/7 với tổng kinh phí trên 160 tỷ đồng. Đã giải quyết gần 50 ngàn lượt đối tượng là người có công và thân nhân người có công được hưởng các chế độ chính sách theo quy định; giải quyết việc làm mới cho 35,01 ngàn lượt người lao động, bằng 109,4% kế hoạch; đào tạo nghề cho khoảng 35,2 ngàn người, bằng 100% kế hoạch, trong đó dạy nghề cho lao động nông thôn trên 3.000 người. Trong phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” năm 2022, Hội Chữ thập đỏ các cấp đã thăm hỏi, tặng 36.477 suất quà cho người là hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, trẻ mồ côi, người già cô đơn, học sinh nghèo vượt khó, người gặp rủi ro hoạn nạn... với tổng trị giá trên 12,152 tỷđồng; hỗ trợ vốn phát triển sản xuất cho 657 lượt người nghèo, người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam, tổng trị giá trên 983,8 triệu đồng... Huyện Giao Thủy, kêu gọi vận động, trao 3.330 suất quà với tổng trị giá 863 triệu đồng; Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh ủng hộ 940 suất quà, trị giá 470 triệu đồng; Tập đoàn VinGroup trao học bổng cho 81 học sinh, trị giá trên 382 triệu đồng; phòng khám Kim Ngân - Thái Bình hỗ trợ 150 suất quà, trị giá 154,5 triệu đồng; Công ty cổ phần Xây dựng và thương mại Hoàng Long và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ủng hộ 195 suất quà, trị giá 97,5 triệu đồng; Trụ trì Thích Diệu Minh, chùa Thọ Tung, xã Nam Hùng, huyện Nam Trực trợ giúp 11 địa chỉ nhân đạo, trị giá 26,4 triệu đồng; hàng năm Hội Khuyến học các cấp đã vận động, hỗ trợ tiền, hiện vật và trao học bổng cho hàng ngàn lượt học sinh nghèo vượt khó, học giỏi với giá trị hàng tỷ đồng …

Kết quả đến hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1,74% năm 2021 xuống còn 1,32%; tỷ lệ hộ cận nghèo giảm từ 6,78%  năm 2021 xuống còn dưới 5,5% (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025); hoàn thành chỉ tiêu đề ra trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025 và Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của tỉnh.

Giai đoạn 2016-2020 đã có nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện triển khai Phong trào thi đua được các cấp, các ngành khen thưởng, trong đó đã có 08 tập thể, cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 36 tập thể, cá nhân được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh; UBND các huyện: Nghĩa Hưng, Xuân Trường, Vụ Bản, Ý Yên và Vụ Bản đã tặng Giấy khen cho 33 tập thể, 119 cá nhân.

1.3. Phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019-2025

Ngày 30/7/2019 UBND ban hành Kế hoạch số 103/KH-UBND về tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Nam Định thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019-2025.

anh tin bai

Cán bộ Bộ phận giao dịch hành chính một cửa của thành phố Nam Định hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính. Ảnh: Báo Nam Định

Sau hơn 03 năm thực hiện, đến nay phong trào đã được triển khai sâu rộng trong toàn tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương và cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh với nội dung, hình thức phong phú, thiết thực, tiêu chí rõ ràng, cụ thể… Phong trào đã góp phần nâng cao văn hóa công sở, đạo đức công vụ, hình thành phong cách ứng xử, tính chuyên nghiệp, lề lối làm việc chuẩn mực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh. Các ngành, các đơn vị trong tỉnh đã xây dựng hoàn thiện quy định, nội quy, quy tắc, quy chế làm việc, là cơ sở pháp lý trong ngăn ngừa, xử lý vi phạm về văn hóa công sở, đạo đức công vụ, góp phần đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả trong thực thi nhiệm vụ, công vụ, tạo khí thế thi đua sôi nổi, góp phần hoàn thành nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, địa phương…

Từ phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu như: Công an tỉnh tổ chức biểu dương gương cán bộ, chiến sỹ tiêu biểu vào sáng thứ hai chào cờ hàng tuần; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phát động triển khai các phong trào thi đua theo chủ đề hàng tháng, hàng quý trong toàn lực lượng; Sở Nội vụ, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch, Sở Giao thông Vận tải, Ban Quản lý các khu công nghiệp, Hội LHPN tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Cục Thống kê tỉnh, thành phố Nam Định, huyện Nam Trực, huyện Trực Ninh… phát động triển khai phong trào thi đua trong toàn ngành, xây dựng và giữ gìn cơ quan, đơn vị văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp; Chấp hành nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính và tinh thần, thái độ chuẩn mực trong giao tiếp, ứng xử, phục vụ nhân dân… Đặc biệt, trong 02 năm qua hoạt động kiểm tra của Tổ công tác về kiểm tra công vụ và Tổ kiểm tra công tác đôn đốc thực hiện nhiệm vụ do UBND tỉnh giao đã đã giúp chỉnh tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh, góp phần xây dựng hình ảnh cán bộ công chức, viên chức gương mẫu, tận tụy, chuẩn mực, chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ cương, tận tình, thân thiện.

Một số sở, ngành, địa phương quan tâm khen thưởng cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện phong trào: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tặng Giấy khen cho 10 tập thể, 07 cá nhân, Sở Giáo dục và Đào tạo tặng Giấy khen cho 03 tập thể, 06 cá nhân, Sở Tư pháp tặng Giấy khen cho 29 cá nhân; các huyện: Xuân Trường, Mỹ Lộc tặng Giấy khen cho 03 tập thể, 6 cá nhân.

1.4. Phong trào thi đua “Đẩy mạnh cải cách hành chính tỉnh Nam Định” giai đoạn 2021-2025

Thực hiện Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ Ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 18/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2025; UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 125/KH-UBND ngày 28/10/2021 về phát động và triển khai phong trào thi đua “Đẩy mạnh cải cách hành chính tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2025”. Phong trào thi đua được triển khai đã góp phần cải thiện, tăng bậc chỉ số năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính và chuyển đổi số của tỉnh.

Trung tâm Phục vụ hành chính công, Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh đã đi vào hoạt động ổn định và đạt hiệu quả; 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4 và kết nối liên thông trên Cổng dịch vụ công quốc gia... Thực hiện tốt việc gửi, nhận văn bản điện tử có ký số trên trục liên thông văn bản quốc gia. Triển khai việc trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính bản điện tử cho công dân nhằm đáp ứng yêu cầu về phòng chống dịch Covid-19... các đơn vị tiêu biểu như: Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Văn hóa, Thể thao và Du dịch; Sở Nội vụ; Sở Thông tin và Truyền thông; thành phố Nam Định, huyện Trực Ninh... đã triển khai thực hiện tốt công tác chuyển đổi số và xây dựng cổng dịch vụ công trực tuyến đạt hiệu quả cao.

anh tin bai

Sở Khoa học & Công nghệ đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số; gắn chuyển đổi số với hiện đại hóa nền hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả. Ảnh: Sưu tầm

Tính đến quý II năm 2023, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đã cung cấp 1.186 DVC trực tuyến mức độ toàn trình và một phần; đạt tỷ lệ trên 70% tổng số TTHC đang thực hiện tại cấp tỉnh, huyện, xã. 100% DVC trực tuyến của tỉnh được cung cấp trên Cổng DVC Quốc gia. Tỉnh đã hình thành kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh; đã kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu kết quả giải quyết TTHC, cơ sở dữ liệu với Kho dữ liệu điện tử, cá nhân trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. 100% hồ sơ TTHC của người dân, doanh nghiệp được tiếp nhận, giải quyết trên Hệ thống (bao gồm cả hồ sơ tiếp nhận trực tiếp và hồ sơ tiếp nhận trực tuyến). Tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng và trước hạn trên Cổng DVC đạt 99,9%.Theo Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC cung cấp Dịch vụ công, tỉnh Nam Định luôn đạt tỷ lệ trên 80%, đứng trong tốp 10 trên bảng xếp hạng năm, quý, tháng. Là 1 trong 4 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít hồ sơ quá hạn nhất (các hồ sơ quá hạn đa số là chứng thực điện tử có thời hạn 01 ngày đã được trả bản giấy trả đúng hạn cho người dân, doanh nghiệp, đối với bản điện tử do lỗi kỹ thuật nên không thể trả đúng thời hạn. Ngoài ra có một số TTHC lĩnh vực đất đai công dân có quyền được bổ sung hồ sơ theo quy định).

Kết quả thực hiện việc số hóa hồ sơ, TTHC: Đến thời điểm hiện tại, 100% Bộ phận Một cửa các cấp trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện việc số hóa hồ TTHC, vượt thời gian so với quy định tại Nghị định số 107/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo kết quả đánh giá chỉ số chuyển đổi số (DTI) năm 2022 của các tỉnh được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, chỉ số DTI  năm 2022 của tỉnh Nam Định tăng so với năm 2021, tỉnh đã vươn lên vị trí thứ 10/63 tỉnh thành trong bảng xếp hạng, phản ánh sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong công tác chuyển đổi số trên cơ sở phát huy kết quả trong xây dựng chính quyền điện tử, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trên mọi lĩnh vực.

Trong năm 2023 đã có 10 tập thể, 20 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua “Đẩy mạnh cải cách hành chính tỉnh Nam Định; giai đoạn 2020-2022, đã có 49 tập thể, 47 cá nhân được UBND các huyện (Xuân Trường, Ý Yên, Nghĩa Hưng, Vụ Bản, Mỹ Lộc) và thành phố Nam Định tặng Giấy khen; 02 tập thể, 04 cá nhân được Giám đốc Sở Tư pháp tặng Giấy khen.

1.5. Phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa

Phong trào đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương trong tỉnh triển khai sôi nổi, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, khơi dậy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm của cộng đồng, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Các nội dung chính của phong trào được triển khai thực hiện gắn với 7 phong trào thi đua, các cuộc vận động khác, đặc biệt là cuộc vận động lớn “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, qua đó tác động tích cực đến từng gia đình, khơi dậy các giá trị truyền thống “tương thân tương ái”, “uống nước nhớ nguồn”, lòng yêu nước, nâng cao ý thức chấp hành kỷ cương pháp luật trong nhân dân.

anh tin bai

Hội viên phụ nữ xóm 15, xã Xuân Kiên (Xuân Trường) tham gia nhặt cỏ,dọn vệ sinh đường hoa. Ảnh: Báo Nam Định

Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội được đưa vào quy ước, hương ước làng, thôn, xóm, tổ dân phố, trở thành một trong những tiêu chí cứng để bình xét, công nhận các danh hiệu văn hóa. Ở nhiều địa phương cơ sở, lễ cưới được tổ chức tại nhà văn hóa (NVH) thôn, xóm, tổ dân phố, đại diện các cơ quan, đoàn thể làm chủ hôn, phát động và thực hiện tốt cuộc vận động “Làm cỗ vừa đủ ăn”, “Không làm cỗ lấy phần và ăn cỗ không lấy phần”. Việc tang được tổ chức trang trọng, tiết kiệm, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, tỷ lệ hỏa táng tăng cao, thời gian đưa tang đúng quy định của địa phương, không tổ chức ăn uống linh đình, dài ngày.

Các địa phương đã thực hiện tốt công tác rà soát, kiểm tra, kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện phong trào tại cơ sở, nhờ đó chất lượng các danh hiệu văn hóa được nâng cao. Năm 2022, toàn tỉnh có 578.453/620.899 hộ gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa” (chiếm tỷ lệ 93,16%); có 2.048/2.160 làng, thôn, xóm, tổ dân phố đăng ký tham gia thi đua xây dựng danh hiệu văn hóa (chiếm tỷ lệ 98,81%).

Phong trào xây dựng “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”, một bộ phận của phong trào “Toàn dân đoàn kết  xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai sâu rộng đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Trên cơ sở hướng dẫn của Liên đoàn Lao động tỉnh, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã hưởng ứng và thực hiện tốt các tiêu chí về nếp sống văn hóa, văn minh công sở; củng cố, nâng cao tính kỷ cương, nền nếp nơi làm việc, ý thức chấp hành kỷ luật, nâng cao hiệu quả công việc và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Năm 2021, toàn tỉnh có 85,5% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; năm 2022 có 85,8% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.

Xây dựng và tổ chức hoạt động hiệu quả các thiết chế văn hoá - thể thao, một trong 5 nội dung quan trọng của phong trào “Toàn dân đoàn kết  xây dựng đời sống văn hóa”. Đến nay, toàn tỉnh có 10 nhà văn hóa (NVH) cấp huyện, thành phố; có 158 xã, thị trấn có NVH độc lập; 68 xã, phường, thị trấn dùng chung hội trường UBND (đã quy hoạch đất xây dựng NVH được phê duyệt); 100% khu dân cư có địa điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, trong đó 3.005/3.634 làng, thôn, xóm, tổ dân phố có NVH, 2.641/3.634 làng, thôn, xóm, tổ dân phố có sân thể thao. Hoạt động của các thiết chế văn hoá - thể thao luôn bám sát các nhiệm vụ chính trị, xã hội, các ngày lễ, tết, ngày kỷ niệm của địa phương, đất nước; lồng ghép tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới nhân dân. Hàng năm, Trung tâm văn hóa, NVH các cấp thường xuyên tổ chức các cuộc thi, liên hoan văn hóa, văn nghệ, giải thi đấu thể dục thể thao quần chúng. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng ngày một phát triển sâu rộng, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, đặc biệt là trong cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, lao động, người cao tuổi, lực lượng vũ trang. Toàn tỉnh đạt hơn 39,1% dân số tập luyện thể dục thể thao thường xuyên; số “gia đình thể thao” đạt hơn 20%; thành lập được 1.750 câu lạc bộ thể dục thể thao, gần 1.000 câu lạc bộ, đội văn hóa, nghệ thuật quần chúng.

1.6. Phong trào thi đua “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Phong trào thi đua được triển khai thực hiện từ năm 2022 đến năm 2030 với mục tiêu tạo khí thế thi đua sôi nổi, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong đẩy mạnh xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại trên địa bàn tỉnh đảm bảo phát triển kết cấu hạ tầng gắn với nhiệm vụ bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và quốc phòng, an ninh, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn hiện nay; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về thi đua thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đời sống xã hội; kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế, gắn với cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức…

Hiện nay, các đơn vị, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ đã và đang triển khai tổ chức thực hiện Phong trào thi đua gắn với các nhiệm vụ được phân công theo ngành, lĩnh vực được giao.

1.7. Phong trào thi đua Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, hoàn thành sớm các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnhgiai đoạn 2022-2025

Thực hiện Kế hoạch số 27/KH-UBND ngày 13/02/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Tổ chức thực hiện các phong trào thi đua và công tác khen thưởng năm 2023. Để góp phần thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng theo Kết luận của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh tại Hội nghị tổng kết công tác Giải phóng mặt bằng giai đoạn 2019-2021, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2022-2025 (Thông báo số 68/TB-UBND ngày 21/3/2023 của UBND tỉnh); Sở Nội vụ đã chủ trì, hoàn thiện dự thảo Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, hoàn thành sớm các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh Nam Định” giai đoạn 2022-2025 sau khi tiếp thu ý kiến đóng góp của các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương và đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh ban hành.

anh tin bai

Các đồng chí: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị kiểm tra Dự án tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định tại điểm xã Giao An (Giao Thủy). Ảnh: Báo Nam Định

Hiện nay, các đơn vị, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ đã và đang triển khai tổ chức thực hiện Phong trào thi đua gắn với các nhiệm vụ được phân công theo ngành, lĩnh vực được giao. Các huyện, thành phố gắn việc tổ chức triển khai với các hoạt động của Ban Chỉ đạo GPMB của địa phương.

2. Đánh giá việc triển khai thực hiện các phong trào thi đua

Nhìn chung, các phong trào thi đua yêu nước của tỉnh trong những năm qua đã được cấp uỷ, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân có sự phối hợp chặt chẽ; Các phong trào thi đua yêu nước đã được triển khai phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương; nội dung thi đua được gắn với nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn của từng cơ quan, đơn vị; hình thức tổ chức phát động phong phú, đã động viên và thu hút được đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tham gia và đạt kết quả tích cực trên các lĩnh vực; đã có nhiều tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong công tác và phong trào thi đua được các cấp, các ngành khen thưởng. Việc xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến được các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm đúng mức, có hình thức, cách làm phù hợp; thực hiện ở cả bốn khâu: phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến. Quá trình thực hiện đã kết hợp chặt chẽ với xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thông qua đó, xuất hiện nhiều mô hình, tấm gương tiêu biểu, điển hình, có cách nghĩ, cách làm hay, sáng tạo, thực sự lôi cuốn để thúc đẩy, cổ vũ các tầng lớp nhân dân học tập, noi theo, phát huy sức sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn, thi đua lập nhiều thành tích trong học tập, công tác, lao động, sản xuất...

Tuy nhiên, việc tổ chức các phong trào thi đua ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thật sự hiệu quả; nội dung, tiêu chí thi đua thiếu cụ thể, còn định tính; chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa nội dung phong trào thi đua với công việc thường xuyên của cơ quan, đơn vị; chưa có các biện pháp hiệu quả để thu hút được sự tham gia tích cực, đồng đều, liên tục của các tổ chức, cá nhân trong phong trào thi đua. Một số cơ quan, đơn vị, nhất là ở cơ sở, thủ trưởng đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến công tác thi đua; tính chủ động, sáng tạo của cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng chưa cao; chưa theo dõi, nắm bắt kịp thời tình hình nhiệm vụ chính trị để tham mưu, đề xuất tổ chức, phát động các phong trào thi đua phù hợp, thiết thực, hiệu quả. Việc chọn, xây dựng các điển hình tiên tiến ở một số đơn vị nhất là ở cơ sở chưa được quan tâm đầu tư, chưa rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực, mới tập trung ở một số lĩnh vực, như: giáo dục - đào tạo, nông nghiệp, an ninh - quốc phòng; Công tác tuyên truyền, tổ chức học tập và nhân rộng các điển hình tiên tiến, những mô hình mới còn chưa phong phú, đa dạng, chưa thật sự lan tỏa trong cộng đồng dân cư. Hoạt động của một số cụm, khối thi đua chưa bám sát nhiệm vụ chính trị của các đơn vị trong cụm, khối, gắn với trao đổi kinh nghiệm về công tác thi đua, rút ra những ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân và những bài học kinh nghiệm để tạo động lực cho phong trào thi đua phát triển. Đặc biệt, các ngành, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì, thường trực Phong trào thi đua chưa phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong tổ chức, triển khai cũng như trong các hoạt động giám sát, kiểm tra việc tổ chức thực hiện Phong trào thi đua; công tác báo cáo kết quả triển khai thực hiện phong trào thi đua ở các cấp, các ngành, các địa phương còn hạn chế, chưa chủ động dẫn tới việc tổng hợp, đánh giá chất lượng, hiệu quả của phong trào thi đua còn hạn chế.

3. Giải pháp nâng cao chất lượng các phong trào thi đua

Để phong trào thi đua thực sự là động lực góp phần thực hiện thắng lợi các  nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh hàng năm và kế hoạch 05 năm (2021-2025), các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung đẩy mạnh, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua, tạo sự lan tỏa, nhiệt tình hưởng ứng tham gia trong toàn hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.

3.1. Đối với các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các cụm, khối thi đua của tỉnh: đẩy mạnh tổ chức thực hiện các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh phát động nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong thi đua, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ được giao. Xây dựng kế hoạch tuyên truyền, biểu dương các điển hình tiên tiến; đẩy mạnh công tác phát hiện và nhân rộng điển hình tiên tiến gắn với biểu dương, khen thưởng động viên các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ công tác, trong các phong trào thi đua. Nâng cao chất lượng việc xét duyệt, đề nghị các cấp khen thưởng, đảm quy định, tiêu chuẩn, đúng đối tượng, thành tích, có tác dụng động viên, khích lệ và nêu gương.

3.2. Đối với các đơn vị được giao chủ trì các phong trào thi đua của tỉnh: tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành, cơ quan, đon vị trong tổ chức thực hiện các phong trào thi đua. Xây dựng kế hoạch, cụ thể hóa các nội dung, bám sát tình hình thực tế của địa phương, đơn vị gắn với lĩnh vực quản lý được giao để tổ chức triển khai thực hiện các phong trào thi đua. Tham mưu tiến hành sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua theo kế hoạch gắn với sơ kết, tổng kết các Chương trình, Kế hoạch Nghị quyết chuyên đề của tỉnh. Phối hợp với Sở Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng) đề xuất UBND tỉnh khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong triển khai thực hiện các phong trào thi đua. Định kỳ phối hợp với Sở Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng) báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh tình hình tổ chức thực hiện Phong trào thi đua.

3.3 Đối với các các Cụm, Khối thi đua của tỉnh: Tăng cường tổ chức các hoạt động chung gắn với việc triển khai các phong trào thi đua có liên quan đến các ngành, lĩnh vực để phát huy sức mạnh tổng hợp và thế mạnh của mỗi thành viên; tổ chức trao đổi về nghiệp vụ, kinh nghiệm tổ chức triển khai các Phong trào thi đua và công tác khen thưởng để nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo tới các thành viên trong cụm, khối thi đua.

3.4. Đối với Sở Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng) - cơ quan thường trực Hội đồng Thi đua Khen thưởng tỉnh: chủ động thường xuyên phối hợp với các ngành, đơn vị chủ trì, thường trực các phong trào thi đua của tỉnh theo dõi tình hình, tiến độ triển khai thực hiện phong trào thi đua; phối hợp, hướng dẫn việc sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua, tổng hợp, báo cáo, đề xuất UBND tỉnh khen thưởng, động viên các tập thể, cá nhân có thành tích, đóng góp trong thực hiện phong trào thi đua. Hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc triển khai thực hiện các phong trào thi đua theo kế hoạch của UBND tỉnh; định kỳ tham mưu cho Hội đồng Thi đua Khen thưởng tỉnh, UBND tỉnh báo cáo Chính phủ, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương và các Bộ ngành liên quan kết quả thực hiện các phong trào thi đua theo quy định.



Ban Thi đua - Khen thưởng
Tin khác
image advertisement
anh tin bai

image advertisement
image advertisement
image advertisement
anh tin bai

image advertisement
anh tin bai
image advertisement
Video Sự Kiện
  • Đề án: Mở rộng địa giới hành chính TP Nam Định, thành lập 03 phường và sắp xếp ĐVHC cấp xã thuộc TP Nam Định, huyện Mỹ Lộc và Đề án: Sắp xếp ĐVHC cấp xã tỉnh Nam Định
  • Video: Tiền thưởng các danh hiệu thi đua, khen thưởng từ 2024 tăng mạnh?
  • Lương Hưu Đang Hưởng Bị Cắt Khi Nào? Có Được Nhận Quyền Lợi Thay Thế Không?
  • Video: Cách phân loại để trả lương theo vị trí việc làm như thế nào?
  • Video: [Dự đoán] Mức lương cơ sở năm 2024 sẽ như thế nào?
1 2 3 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1