Ngày 17/6/2021, tại trụ sở Ban Tôn giáo Chính phủ (BTGCP) đã diễn ra Hội thảo “Thực trạng đạo lạ, tà đạo ở Việt Nam hiện nay – kiến nghị và giải pháp”. Ông Nguyễn Ánh Chức, Phó Trưởng ban BTGCP và PGS.TS Đỗ Lan Hiền, Viện trưởng Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đồng chủ trì hội thảo.
Hội thảo có sự tham dự của bà Trần Thị Minh Nga và ông Nguyễn Tiến Trọng, Phó Trưởng ban BTGCP; đại diện Ban Dân vận Trung ương, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy ban Dân tộc, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch), Cục An ninh Nội địa (Bộ Công an), Cục Trinh sát cơ sở (Bộ đội Biên phòng); đại diện các viện, cơ quan nghiên cứu cấp nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Trưởng ban BTGCP Nguyễn Ánh Chức cho biết, hội thảo nhằm đánh giá thực trạng đạo lạ, tà đạo ở Việt Nam hiện nay, nhận diện mô hình, tổ chức và hoạt động của các loại đạo lạ, tà đạo và tác động, ảnh hưởng của đạo lạ, tà đạo đối với các mặt của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội.

Phó Trưởng ban Nguyễn Ánh Chức phát biểu khai mạc hội thảo
Trên cơ sở đó, hội nghị cũng nhằm đánh giá hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của đạo lạ, tà đạo thời gian qua và đề xuất các giải pháp, chính sách đối với đạo lạ, tà đạo trong thời gian tiếp theo nhằm phù hợp với luật pháp hiện hành và thực tế xã hội; đồng thời định hướng công tác thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu rõ, nhận diện đúng; góp phần đấu tranh, phản bác các hoạt động lợi dụng đạo lạ, tà đạo để vi phạm pháp luật, đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc.
PGS.TS Đỗ Lan Hiền, Viện trưởng Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, Ban Tổ chức đã nhận được 17 tham luận của các đại biểu tham dự hội thảo. Các ý kiến tham luận đã phản ánh góc nhìn phong phú, đa chiều xung quanh các vấn đề liên quan đến đạo lạ, tà đạo như: nguồn gốc của đạo lạ, tà đạo tại Việt Nam; đặc điểm của đạo lạ, tà đạo và những nét tương đồng với các loại hình tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống; các vấn đề về nhận diện đạo lạ, tà đạo; tác động tích cực và tiêu cực của đạo lạ, tà đạo đối với đời sống xã hội; căn cứ pháp lý để giải quyết vấn đề đạo lạ, tà đạo; kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước đối với tà đạo, đạo lạ…
