Ngày 11/2/2023 (tức 21 tháng Giêng năm Quý Mão), UBND thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực tổ chức lễ đón nhận Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia lễ hội chùa Đại Bi.
Tham dự buổi Lễ có đại diện lãnh đạo Cục Di sản thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và du lịch, lãnh đạo UBMTTQ Việt Nam tỉnh, đại diện Sở Nội vụ, Sở Văn hóa - Thể Thao và Du lịch tỉnh Nam Định, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Nam Trực cùng cán bộ và đông đảo nhân dân TT Nam Giang.
Chùa Đại Bi là ngôi chùa chung của 3 thôn: Giáp Ba, Giáp Tư và Vân Chàng, được xây dựng từ thời Lý Nhân Tông. Chùa Đại Bi thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh, là một danh sư thời Lý có công lao lớn với triều đình và nhân dân.
Lễ hội chùa Đại Bi được tổ chức từ ngày 20 đến ngày 23 tháng Giêng hàng năm, trong đó ngày 21 là chính hội. Cũng như bao lễ hội truyền thống của người Việt, lễ hội chùa Đại Bi có hai phần: phần lễ và phần hội. Những đặc trưng cơ bản nhất trong phần "lễ" chùa Đại Bi là: nghi lễ mộc dục thắng y (thay áo Thánh), rước kiệu Thánh của ba thôn về chùa, tế nam quan, nữ quan...Tiêu biểu nhất là nghệ thuật múa rối cạn chầu Thánh. Phần "hội", trước đây trong lễ hội chùa Đại Bi có nhiều các trò chơi dân gian như: đấu vật chầu Thánh, chọi gà, cờ tướng, vật cầu, kéo chữ, múa rối nước... Bên cạnh một số hoạt động trò chơi dân gian còn có thêm nhiều hoạt động văn hóa thể thao thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương. Từ bao đời nay, chùa Đại Bi đã trở thành nơi du xuân, lễ phật cầu may của khách thập phương trong phiên chợ Viềng còn gọi là chợ Viềng Chùa, diễn ra đêm mùng 7 rạng ngày mùng 8 tháng Giêng.
Với những giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hoá và những đặc trưng riêng, lễ hội chùa Đại Bi được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, tại Quyết định số 254/QĐ-BVHTTDL ngày 22 tháng 1 năm 2020. Đây là niềm tự hào lớn của người dân địa phương, trở thành cơ sở và động lực quan trọng để chính quyền, người dân địa phường tiếp tục đẩy mạnh việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.
Một số hình ảnh tại buổi lễ
Ban Tôn giáo