Thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo tỉnh Nam Định

Nam Định là tỉnh thuần nhất về dân tộc nhưng đa dạng về tôn giáo, nhiều cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo, đông chức sắc, tín đồ. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 03 tôn giáo là: Công giáo, Phật giáo và Tin Lành với 1.511 cơ sở thờ tự, 1.148 chức sắc, 6 dòng tu, 35 cơ sở dòng. Bên cạnh đó, các hình thức sinh hoạt tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh rất phong phú, gắn với lễ hội tín ngưỡng thu hút đông người tham gia, tiêu biểu như Lễ Hội Đền Trần, Lễ Hội Phủ Dầy, Lễ hội chùa Keo Hành Thiện đã được ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nhìn chung, các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tương đối tốt Thông tư liên tịch số 04/2014/TTLT-BVHTTDL-BNV ngày 30 tháng 5 năm 2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn việc thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo.

                                             Đền Trần, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định
       Thời gian qua, Sở Nội vụ đã tổ chức và phối hợp tổ chức tốt công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo và Thông tư liên tịch số 04/2014/TTLT-BVHTTDL-BNV của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Nội vụ, tích cực hướng dẫn các tổ chức tôn giáo thực hiện tốt nếp sống văn minh tại cơ sở. Vì vậy, nhiều cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã xây dựng Nội quy và thực hiện các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đúng quy định. Lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra đảm bảo đúng nội dung, giữ được tính thiêng của các nghi lễ cổ truyền, giữ gìn được những giá trị tốt đẹp, đồng thời tránh được những biểu hiện của mê tín dị đoan. Từ đó góp phần bảo đảm tính tôn nghiêm, trang trọng, đảm bảo an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường trong các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo. Khách tham quan, người tham gia các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đã nâng cao ý thức, có thái độ ứng xử văn hóa, trang phục phù hợp, khi dâng cúng tiền, hiện vật công đức đúng nơi quy định. Những việc làm tuy nhỏ nêu trên đã góp phần đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, qua đó tôn trọng các giá trị văn hóa và đạo đức của tôn giáo.

Việc thực hiện các quy định về nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo đã góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, trước bối cảnh xã hội ngày càng thay đổi theo hướng hiện đại và văn minh hơn, việc xây dựng môi trường văn hóa nói chung và xây dựng nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo nói riêng là yêu cầu cấp thiết.

Thông tư liên tịch số 04/2014/TTLT-BVHTTDL-BNV của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Nội vụ quy định rõ:

Về nguyên tắc thực hiện nếp sống văn minh tại cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo như: Đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, không lợi dụng hoạt động tín ngưỡng tôn giáo để chống phá nhà nước, đảm bảo các quy định về bảo vệ môi trường và quy định rõ về tiền, tài sản dâng cúng: “Tiền, tài sản được dâng cúng, công đức, tài trợ cho các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích, công khai, minh bạch”.

         Về trách nhiệm của cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo, nhấn mạnh, cơ sở tín ngưỡng: “Có nội quy quy định đối với khách tham quan, người tham gia hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, trang phục, thái độ ứng xử có văn hóa phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc; quy định nơi để, nơi tiếp nhận tiền, hiện vật công đức, dâng cúng. Tuyên truyền cho khách tham quan, người tham gia hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo không mua bán, đốt pháo, đốt và thả đèn trời; không thực hiện các hoạt động mê tín, dị đoan, các hình thức cờ bạc và các hành vi vi phạm pháp luật khác”.

         Thông tư cũng quy định rõ trách nhiệm của người phụ trách (trụ trì), Ban quản lý cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo (nếu có); trách nhiệm của khách tham quan, người tham gia các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Đặc biệt, có riêng 1 điều quy định về thực hiện về nếp sống văn minh trong việc quản lý, sử dụng nguồn công đức, theo đó: Người phụ trách ( trụ trì), Ban quản lý cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo (nếu có) phải có phương thức thu nhận, quản lý và sử dụng nguồn công đức hiệu quả, đúng mục đích, đảm bảo thống nhất, đoàn kết giữa những người trong cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo. Việc quản lý, sử dụng nguồn công đức phải công khai, có sổ sách rõ ràng, chi tiêu minh bạch”.

Để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa việc thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, các cấp, các ngành cần phối hợp, tuyên truyền đến người dân, chức sắc, chức việc tín đồ các tôn giáo chấp hành tốt các quy định của pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo nói chung và Thông tư liên tịch số 04/2014/TTLT-BVHTTDL-BNV ngày 30 tháng 5 năm 2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn việc thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo nói riêng./. 

         

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác