Đại dịch COVID-19 - tình trạng y tế khẩn cấp nghiêm trọng trong lịch sử hiện đại đã được công bố ở nhiều quốc gia trên thế giới và cách thức thế giới đối phó với khủng hoảng không mong muốn toàn cầu này sẽ được ghi lại trong lịch sử. Các cơ quan, tổ chức như lưu trữ quốc gia, thư viện, bảo tàng, các cơ sở giáo dục và nghiên cứu đều đang lưu lại những hành động và quyết định giúp thế hệ tương lai có thể hiểu được sự bùng phát của dịch bệnh và những tác động của đại dịch tới đời sống xã hội.
Giữa bối cảnh khủng hoảng y tế toàn cầu này, di sản tư liệu là nguồn tài liệu quan trọng cung cấp góc nhìn lịch sử về cách mà các quốc gia, người dân và cộng đồng quốc tế đã từng thực hiện để đối phó với những đại dịch đã từng xảy ra trước đây.
Nhiều quốc gia đã ban hành những sắc lệnh nhằm bảo quản một cách nghiêm ngặt nguồn tư liệu chính thống về đại dịch. Điều này không chỉ nhấn mạnh tính nghiêm trọng của tình hình mà còn nêu cao tầm quan trọng của các cơ quan lưu giữ ký ức trong việc quản lý, cung cấp thông tin và tài liệu cần thiết để hiểu, xác định tình hình và vượt qua những cuộc khủng hoảng tương tự trong tương lai. Bên cạnh đó, tài liệu lưu trữ về nghệ thuật và sáng tạo của loài người, một phần sống còn của di sản tư liệu, chính là nguồn lực quan trọng giúp kết nối và hàn gắn cộng đồng trên toàn thế giới.
UNESCO thông qua Chương trình Ký ức thế giới (MOW) luôn sẵn sàng hỗ trợ các nước thành viên trong việc bảo quản tài liệu lưu trữ chính thống liên quan đến COVID-19 trong khuôn khổ Khuyến nghị 2015 về việc bảo quản và tiếp cận di sản tư liệu, bao gồm cả tư liệu số.
Các nước thành viên, các cơ quan bảo quản ký ức và người dân cần cùng nhau chia sẻ trách nhiệm trên bốn lĩnh vực quan trọng sau nhằm đối phó với COVID-19 và chuẩn bị cho việc đối phó với những đại dịch khác trong tương lai. Điều này dựa trên những giá trị chung về mặt giáo dục, xã hội, khoa học và nghệ thuật bên cạnh nhiều giá trị khác của di sản tư liệu.
Thứ nhất, cần mở rộng hợp tác quốc gia và quốc tế trong việc bảo quản và tiếp cận di sản tư liệu. Điều này có thể thực hiện thông qua mạng lưới các ủy ban quốc gia và khu vực của Chương trình Ký ức thế giới thuộc UNESCO. Để đạt được điều này, UNESCO huy động sự hợp tác quốc tế giữa các tổ chức như Liên đoàn quốc tế các tổ chức và Hiệp hội thư viện (IFLA), Hội đồng Lưu trữ quốc tế (ICA), Trung tâm Nghiên cứu, Bảo quản và Tu bổ phục chế Di sản văn hóa (ICCROM), Hội đồng Bảo tàng quốc tế (ICOM), Hội đồng điều phối các hiệp hội lưu trữ nghe nhìn (CCAAA)…
Thứ hai, các nước thành viên cần tăng cường đầu tư cho việc bảo quản và tiếp cận di sản tư liệu như một yếu tố giúp quản lý và làm giảm nguy cơ của đại dịch. Phần lớn các cơ quan bảo quản ký ức đều phụ thuộc vào các nguồn lực hỗ trợ của công chúng và các đơn đặt hàng hay yêu cầu tra cứu mang lại doanh thu trực tiếp nên chắc chắn có những tác động nghiêm trọng đến nguồn thu của các tổ chức này. Vì vậy, trong tương lai, bên cạnh nguồn lực từ tư nhân, sự đầu tư của nhà nước là yếu tố sống còn đảm bảo cho sự hoạt động hiệu quả và tồn tại lâu dài của các tổ chức này. Giữa bối cảnh khủng hoảng y tế toàn cầu, các tổ chức này đã cho thấy khả năng phục hồi mạnh mẽ thông qua việc tổ chức các triển lãm trực tuyến miễn phí phục vụ công chúng, cung cấp các bản sao số hóa của các tài liệu cổ và tương tác hiệu quả với người dân trên mạng xã hội. Tuy nhiên, họ cũng cần phải có nguồn lực và quyền hạn cần thiết để thu thập tài liệu từ nguồn hồ sơ chính thống cũng như từ cộng đồng, trực tuyến và ngoại tuyến nhằm đảm bảo việc lưu lại một cách đầy đủ nhất tư liệu về cuộc khủng hoảng này.
Thứ ba, hơn lúc nào hết, các cơ quan bảo quản ký ức cần sẵn sàng hơn nữa trong việc cho phép các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia truyền thông, các nhà khoa học và công chúng tiếp cận di sản tư liệu ở quy mô lớn. Việc hiểu được các nhà lãnh đạo trước đây đã phản ứng như thế nào trước những tình huống y tế khẩn cấp sẽ giúp những nhà hoạch định chính sách đưa ra quyết định cho hôm nay. Các nhà khoa học cũng có thể sử dụng tài liệu lưu trữ về những đợt bùng phát dịch trước đó để hoàn thiện phương pháp, xác định hướng hành động tốt nhất chống lại sự lây lan của dịch bệnh mới. Thông thường, tài liệu chính là nguồn cung cấp thông tin chi tiết về các khía cạnh kinh tế, xã hội, chính trị và văn hóa trong các đại dịch, từ đó có thể tham khảo, áp dụng cho tình hình hiện nay về COVID-19. Thông qua việc truy cập từ xa, các cơ quan bảo quản ký ức và các kho lưu trữ cũng có thể giúp cộng đồng kết nối với nhau và trợ giúp tâm lý xã hội thông qua những nét văn hóa, ngôn ngữ và thể hiện sáng tạo tương đồng.
Bên cạnh đó, các cơ quan lưu trữ truyền thông và nghe nhìn cũng đang nỗ lực lưu lại tài liệu về đại dịch như các lệnh đóng cửa ảnh hưởng như thế nào đến mỗi cá nhân, các chính phủ đã xử lý cuộc khủng khoảng kinh tế và y tế này như thế nào, các phương tiện truyền thông đã phản ứng như thế nào với đại dịch hay có những biểu hiện mới nào về tinh thần đoàn kết và chúng góp phần như thế nào trong công cuộc số hóa khi phần lớn lực lượng lao động và người trẻ tuổi đang đi học phải học và làm việc từ xa.
Hơn nữa, việc bảo quản và tổ chức sử dụng nguồn tài liệu chính thống như vậy còn giúp nâng cao nhận thức và sự tham gia của cộng đồng vào công tác y tế dựa trên những bài học thu được từ lịch sử.
Cuối cùng, các cá nhân, các nhà hoạch định chính sách và cộng đồng khoa học được khuyến khích trân trọng giá trị của các cơ quan, tổ chức bảo quản ký ức với tư cách là nơi lưu giữ ký ức thế giới trên mọi lĩnh vực, bao gồm cả ký ức về những đại dịch và cách mà thế giới đã đương đầu với chúng. Lưu trữ, thư viện và bảo tàng đã và đang là những cơ quan lưu giữ thông tin có giá trị và tin cậy. Với sự gia tăng thông tin sai lệch về đại dịch COVID-19, các cơ quan này cần thu thập, lập danh mục và phổ biến những thông tin khoa học, xác thực và cung cấp những quan điểm phản biện, so sánh. Bằng nỗ lực lưu lại tài liệu về những phản ứng phổ biến với COVID-19, họ chính là những người vẽ lên hình ảnh của đại dịch này cho các thế hệ tương lai.
Lời kêu gọi chia sẻ trách nhiệm này được thể hiện rõ ràng trong bộ sưu tập tài liệu lưu trữ về Chương trình xóa sổ bệnh đậu mùa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Bộ sưu tập đã được công nhận là Di sản tư liệu thế giới thuộc chương trình Ký ức thế giới của UNESCO vào năm 2017. Năm 1996, WHO triển khai chương trình toàn cầu xóa bỏ bệnh đầu mùa, căn bệnh đã gây tai ương cho nhân loại trong nhiều thiên niên kỷ. Đến năm 1980, Đại hội đồng Y tế thế giới của WHO đã xác nhận việc xóa sổ căn bệnh này. Tài liệu lưu trữ về Chương trình xóa sổ bệnh đậu mùa cung cấp tài liệu về quá trình hành động và ra quyết định nhằm xóa bỏ căn bệnh cũng như hướng dẫn những nỗ lực tương tự nhằm ngăn chặn các căn bệnh hiện tại.
Vì thế, chúng ta cần đảm bảo chắc chắn việc lưu trữ một các đầy đủ tài liệu về đại dịch COVID-19 để có thể ngăn chặn đợt bùng phát mới có cùng bản chất hoặc quản lý tốt hơn tác động của những sự kiện toàn cầu như vậy đến đời sống xã hội trong tương lai.
Đồng ký bởi:
Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO Phụ trách Thông tin và Truyền thông MOEZ CHAKCHOUK,
Tổng Thư ký Liên đoàn quốc tế các tổ chức và Hiệp hội thư viện (IFLA) GERALD LEITNER,
Chủ tịch Hội đồng Lưu trữ quốc tế DAVID FRICKER,
Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Bảo quản và Tu bổ phục chế Di sản văn hóa (ICCROM) WEBBER NDORO,
Chủ tịch Hội đồng điều phối các hiệp hội lưu trữ nghe nhìn (CCAAA) TOBY SEAY
Phó Chủ tịch Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Phi (ARCMOW) PAPA MOMAR DIOP,
Chủ tịch Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (MOWCAP) KIM KWIBAE,
Chủ tịch Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực Mỹ Latinh và Ca-ri-bê (MOWLAC) SANDRA MORESCO.