Ngay sau khi Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vừa ra đời, ngày 8/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kí Sắc lệnh cử Giám đốc Nha Lưu trữ công văn và Thư viện toàn quốc. Việc thành lập Nha Lưu trữ công văn và Thư viện toàn quốc trong hoàn cảnh đất nước vô vàn khó khăn lúc đó đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Bác đến công tác văn thư, lưu trữ. Sự ra đời của cơ quan có chức năng quản lý công tác lưu trữ cao nhất nước Việt Nam dân chủ cộng hòa không chỉ góp phần xây dựng, kiện toàn bộ máy nhà nước mà còn là dấu ấn mở đầu cho cả quá trình phát triển lâu dài của ngành văn thư, lưu trữ Việt Nam.
Ngày 12/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kí Sắc lệnh số 49 quy định cụ thể về việc ghi tiêu đề trên văn bản với mục đích to lớn là “cần nêu cao một kỷ nguyên mới để đánh dấu vào lịch sử nước ta”. Nội dung của Sắc lệnh nêu rõ: “Các công văn, công điệp, phiếu, trát, đơn từ, các báo chí, chúc tự, điếu văn, khấn vái, cúng lễ…bắt đầu từ ngày kí sắc lệnh này đều phải ghi tiêu đề: Việt Nam dân chủ cộng hòa năm thứ nhất”. Sắc lệnh số 49 thể hiện sự quy định cụ thể về thể thức văn bản hành chính, có ý nghĩa rất lớn về mặt chính trị đối với việc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Nhận thức rõ giá trị của tài liệu lưu trữ sau khi giành được chính quyền, trước hiện tượng hồ sơ, tài liệu của chế độ cũ để lại có nguy cơ bị tiêu hủy, ngày 3/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kí ban hành Thông đạt số 1C/VP. Bản Thông đạt ngắn gọn nhưng đã nêu lên tư tưởng chiến lược và những yêu cầu cấp bách cho công tác bảo vệ tài liệu lưu trữ. Người đã chỉ ra rằng việc tự tiện hủy bỏ hay bán các công văn, hồ sơ cũ là “hành động ấy có tính cách phá hoại” và Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vai trò, ý nghĩa to lớn của tài liệu lưu trữ là “những giá trị đặc biệt về phương diện kiến thiết quốc gia”. Đồng thời Người cũng nêu rõ phương thức để quản lý hồ sơ, tài liệu: “những hồ sơ hoặc công văn không cần dùng sau này sẽ phải gửi về những sở lưu trữ công văn thuộc Bộ Quốc gia giáo dục để tàng trữ, những nhân viên không tuân lệnh này sẽ bị nghiêm trị”. Thông đạt số 1C/VP do Chủ tịch Hồ Chí Minh kí là một trong những văn kiện đầu tiên có ý nghĩa thực sự to lớn về mặt lí luận và thực tiễn đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành lưu trữ Việt Nam. Những quy định này đã đặt nền móng cho sự ra đời của nguyên tắc tập trung, thống nhất trong công tác lưu trữ hồ sơ, tài liệu; từ đây, tài liệu lưu trữ đã được Nhà nước khẳng định là tài sản của nhân dân, của dân tộc phải được trân trọng, giữ gìn.
Sự ra đời của bản Thông đạt cách đây 74 năm là minh chứng cho tầm nhìn sâu sắc của lãnh tụ Hồ Chí Minh đối với công tác lưu trữ- một hoạt động quan trọng của nền hành chính nhà nước. Qua nhiều giai đoạn lịch sử, bản Thông đạt cùng tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn luôn còn nguyên giá trị và tầm ảnh hưởng lớn lao. Bởi vậy, ngày 17/9/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1229/QĐ-TTg chọn ngày 3/1 - ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh kí Thông đạt 1C/VP là ngày truyền thống ngành Lưu trữ Việt Nam.
Những tư tưởng đúng đắn cùng những chỉ đạo chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác văn thư, lưu trữ từ những ngày đầu kiến thiết, xây dựng nước Việt Nam dân chủ cộng hòa mãi mãi là con đường dẫn lối cho sự nghiệp phát triển của ngành văn thư và lưu trữ Việt Nam. Thực hiện theo lời Bác, học tập tư tưởng, đạo đức của Bác, đất nước ta sẽ có thêm hi vọng giữ gìn và phát huy nhiều di sản lưu trữ cho muôn đời sau./.
Phòng Nghiệp vụ - Chi cục Văn thư Lưu trữ