Công việc Nội vụ thời phong kiến ở Việt Nam trước năm 1945

Bộ Lại dưới thời nhà nước phong kiến Việt Nam là một trong sáu bộ (Lục Bộ) của hệ thống cơ quan hành pháp, gồm: Bộ Lại, Bộ Lễ, Bộ Hộ, Bộ Binh, Bộ Hình, Bộ Công. Chức năng chính của Bộ Lại là chuyên trách các vấn đề quan tước, thăng giáng, thuyên chuyển, xét bổ công trạng cho quan lại, chỉnh đốn phép làm quan để giúp việc chính sự trong nước.

Theo một số tư liệu, Lục Bộ có từ thời Lý, tuy nhiên cho đến nay các tư liệu lịch sử cho thấy Lục Bộ bắt đầu được hoàn thiện từ thời Lê sơ. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục cho biết: Quan chức hồi đầu triều Lê ở trong kinh chỉ đặt hai bộ là Bộ Lại và Bộ Lễ; các bộ Hộ, Binh, Hình, Công và Lục khoa chưa sắp đặt được đầy đủ. Phan Huy Chú trong sách Lịch triều hiến chương loại chí, phần Quan chức chí cũng cho rằng: Đầu thời Lê, sự xếp đặt quan chức mới chỉ có Bộ Lại và Bộ Lễ, ngôi vị chức Thượng thư của hai bộ này ở dưới Hành khiển. Có nghĩa rằng Bộ Lại là một trong hai bộ quan trọng đầu tiên được thành lập trong hệ thống nhà nước thời kỳ phong kiến. Đến năm Hồng Đức thứ 2 (1471) đời Lê Thánh Tông mới đặt đủ sáu bộ và quy định chức năng cho các bộ.

Sở dĩ Bộ Lại được đặc biệt coi trọng và luôn đứng đầu trong Lục Bộ là bởi lẽ đây là tổ chức tham mưu giúp việc cho nhà vua các vấn đề về nội chính, sắp đặt tổ chức, tuyển chọn nhân tài, xét bổ người làm quan cho hệ thống nhà nước. Trải qua các triều đại, chức năng của Bộ Lại hầu như không thay đổi cho đến hết triều Nguyễn năm 1945. Mặc dù đã thiết đặt đủ Lục Bộ dưới thời vua Lê Thánh Tông, nhưng người đứng đầu vẫn chỉ đặt chức Thượng thư cho hai bộ Lại, Lễ và kiêm nhiệm các bộ còn lại; phải đến năm 1664, đời vua Huyền Tông niên hiệu Cảnh Trị mới đặt đủ chức Thượng thư của sáu bộ.

Vì Bộ Lại là cơ quan đặc biệt quan trọng nên người đứng đầu tức Thượng thư thường là các đại thần có uy tín trong triều. Một trong những Thượng thư Bộ Lại có nhiều uy tín là Nguyễn Trãi. Năm 1427, sau khi cùng Lê Lợi đánh đổ sự thống trị của nhà Minh thiết lập nên nhà Lê sơ, Lê Lợi đã phong cho Hàn lâm viện thừa chỉ học sĩ Nguyễn Trãi làm Triều liệt đại phu, Nhập nội hành khiển, Lại bộ Thượng thư kiêm hành Khu mật viện sự. Đây là chức quan đầu triều giúp nhà vua quản lãnh các việc nội sự và cơ mật quan trọng của triều đình. Dưới triều Lê, nhiều Thượng thư Bộ Lại là các danh thần nổi tiếng khoa bảng như Nguyễn Như Đổ, Đàm Thận Huy, Nguyễn Mậu Tuyên, Phạm Công Trứ, Phạm Khiêm Ích…

Nguyễn Trãi được bổ làm Thượng thư Bộ Lại năm 1427. Nguồn: Việt sử thực lục, tập 10

 

Đến triều Nguyễn, những người đứng đầu Bộ Lại tiếp tục là những đại quan, thông thường mang hàm Đại học sĩ nằm trong Tứ trụ của triều đình. Nhiều Thượng thư Bộ Lại là những danh thần đỗ đạt, vừa là nhà chính trị, nhà ngoại giao, nhà văn hóa đại tài như Trịnh Hoài Đức, Nguyễn Hữu Thận, Vũ Xuân Cẩn, Phan Thanh Giản, Nguyễn Trọng Hợp, Phan Đình Bình, Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết…

Thời vua Bảo Đại, năm 1932 trở về nước sau 10 năm học tập tại Pháp và chính thức năm quyền, vua Bảo Đại đã từng bước cải tổ hệ thống hành chính. Điều đặc biệt, ông cho thay thế ngay 5 Thượng thư cũ thuộc phái bảo thủ bằng 5 Thượng thư mới thuộc phái tân tiến. Trong đó, Thượng thư Bộ Lại Nguyễn Hữu Bài một trọng thần của triều đình được thay thế bằng Ngô Đình Diệm lúc đó là Tuần phủ Bình Thuận, và trở thành Thượng thư trẻ nhất trong số các đại thần lúc bấy giờ. Năm 1935, vua Bảo Đại cho đổi tên hoặc chia tách một loạt bộ cũ thành các bộ mới, tuy nhiên, Bộ Lại vẫn được giữ nguyên. Đến năm 1942, Bộ Lại mới chính thức đổi tên thành Bộ Nội vụ.

Thượng thư Bộ Lại cuối cùng dưới triều Nguyễn (lúc đó đã được đổi tên là Bộ trưởng Bộ Nội vụ) là Phạm Quỳnh, một danh sĩ, nhà văn hóa, nhà báo nổi tiếng. Phạm Quỳnh giữ chức vụ này cho đến hết tháng 8 năm 1945.

Các tin khác