Giới thiệu các phông tài liệu lưu trữ đang bảo quản tại lưu trữ lịch sử tỉnh Nam Định

 Nam Định nằm giữa vùng hạ lưu hai con sông lớn của đồng bằng Bắc Bộ là sông Hồng và sông Đáy, có bờ biển dài 72 km. Đây là vùng có tiềm năng kinh tế, là một trong những cửa ngõ của quốc gia, một phần phên dậu của đất nước. Hàng nghìn năm trước, nơi đây từng là vùng đất hứa, hội tụ cư dân các nơi đến sinh cơ lập nghiệp trong quá trình người Việt tiến từ rừng núi xuống bình nguyên rộng lớn.

Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, các đơn vị hành chính trong tỉnh thay đổi theo thời gian. Trong kháng chiến chống Pháp, tỉnh Nam Định thuộc Liên khu III. Tháng 5-1965, tỉnh Nam Định được hợp nhất với tỉnh Hà Nam thành tỉnh Nam Hà. Năm 1975, Nam Hà hợp nhất với Ninh Bình thành tỉnh Hà Nam Ninh. Đến ngày 01-01-1997, tỉnh Nam Định được tái lập và giữ nguyên tên gọi cho đến ngày nay. Tài liệu của các cơ quan từ năm 1945 đến nay đang được lưu giữ tại kho Lưu trữ lịch sử tỉnh Nam Định với 458 mét tài liệu giấy và 1.103 tài liệu ảnh:

Phông UBHC tỉnh Nam Định giai đoạn 1945 – 1965 có 25 mét tài liệu với 124 hộp và 1176 hồ sơ. Đây là giai đoạn  tỉnh Nam Định hòa chung khí thế cả nước giành chính quyền làm nên cách mạng tháng Tám lịch sử nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn về các mặt kinh tế, chính trị, quân sự, xã hội. Sau đó, tỉnh Nam Định tiếp tục góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc trước thực dân Pháp và tiến hành xây dựng xã hội chủ nghĩa, thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965). 

Phông UBHC tỉnh Nam Hà giai đoạn 1965 – 1975 có 49,2 mét tài liệu với 196 hộp và 1644 hồ sơ. Giai đoạn này, tỉnh Nam Định được hợp nhất với tỉnh Hà Nam thành tỉnh Nam Hà đã cùng cả nước đấu tranh kháng chiến chống Mỹ giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Phông UBND tỉnh Hà Nam Ninh giai đoạn 1976 – 1991 có 36,1 mét tài liệu với 209 hộp và 1596 hồ sơ. Tỉnh Nam Hà giai đoạn này hợp nhất với Ninh Bình thành tỉnh Hà Nam Ninh. Tỉnh Hà Nam Ninh khắc phục hậu quả sau chiến tranh, thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ hai, từng bước tháo gỡ khó khăn phát triển kinh tế xã hội. Tỉnh đã bước đầu thực hiện thực hiện đường lối đổi mới từ năm 1986, từng bước xóa bỏ cơ chế quan liêu bao cấp, chuyển sang cơ chế thị trường theo định hướng XHCN; Thực hiện CNH, HĐH và phấn đấu mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Phông UBND tỉnh Nam Hà giai đoạn 1992 – 1996 có 21,6 mét tài liệu với 133 hộp và 741 hồ sơ. Tỉnh Hà Nam Ninh được tách thành 2 tỉnh Nam Hà và Ninh Bình. Đường lối đổi mới toàn diện tiếp tục thực hiện về các mặt kinh tế - xã hội, xây dựng Nam Hà giàu về kinh tế, mạnh về an ninh, quốc phòng, đẹp về lối sống mới xã hội chủ nghĩa.

Riêng phông UBND tỉnh Nam Định từ 1997 đến 2003 đang được chuẩn hóa và tiếp tục bổ sung tài liệu lưu trữ. Tỉnh Nam Định năm 1997 được tái lập, giữ nguyên tên gọi cho đến ngày nay, đã tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới và có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước phát triển giành những kết quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Về nội dung, tài liệu các phông trên cơ bản đều phản ánh đầy đủ, toàn diện các mặt hoạt động, bao gồm: Kinh tế; Nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, thủy lợi, đất đai; Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; Giao thông vận tải; Xây dựng, quản lý, phát triển đô thị; Thương mại, dịch vụ và du lịch; Giáo dục, đào tạo; Văn hóa, thông tin, thể dục thể thao; Y tế, xã hội; Khoa học, công nghệ, tài nguyên môi trường; Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Chính sách dân tộc, tôn giáo; Thi hành pháp luật; Xây dựng chính quyền và quản lý địa giới hành chính. Riêng phông UBHC tỉnh Nam Định giai đoạn 1945 – 1965 có thêm nội dung về công cuộc cải cách ruộng đất.

Khối tài liệu khen thưởng thời kỳ kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ (giai đoạn 1983 – 2007) có 109,7 mét. Khối tài liệu này bao gồm hồ sơ, tài liệu khen thưởng các tập thể và cá nhân có thành tích trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ trên địa bàn tỉnh Nam Định và có ý nghĩa to lớn giúp độc giả tra cứu để giải quyết chế độ chính sách của Nhà nước.

Ngoài ra còn một số ít tài liệu thuộc các phông khác: Sở Giao thông vận tải giai đoạn 1960- 2001, Khách sạn Giao tế giai đoạn 1988-2005, Công ty cá biển Ninh Cơ giai đoạn 1992-2005, Công ty Giấy nhựa giai đoạn 1996-2002, Công ty Thuỷ tinh giai đoạn 1992-2005.

Hiện tại, Lưu trữ Lịch sử tỉnh đang bảo quản 629 hồ sơ của Cán bộ đi B có lý lịch tỉnh Nam Định do Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III bàn giao mà chưa có người nhận. Mặc dù đây chỉ là các bản sao một số loại giấy tờ: chứng thực lưu trữ Sơ yếu lý lịch; Quyết định đi B; Giấy chuyển đi; Các giấy tờ sinh hoạt Đảng và Đoàn; Bản sao Chứng minh thư; Huân chương; Huy chương; Kỷ niệm chương; Bằng khen; ảnh; kỷ vật và các giấy tờ khác… nhưng những thông tin trong hồ sơ đi B rất có ý nghĩa, thể hiện tinh thần yêu nước của nhân dân trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

 Tài liệu ảnh: Đặc biệt, tại Lưu trữ lịch sử tỉnh Nam Định đang bảo quản 1.103 tài liệu ảnh của các phông: Tội ác Nickson (năm 1972). Tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ năm (1965-1972), Tổng Bí thư Trường Chinh (năm 1985) và ảnh của các hội nghị lớn, các cuộc gặp gỡ của Lãnh đạo UBND tỉnh với các đoàn chuyên gia nước ngoài làm việc tại tỉnh Nam Định (1974 - 1976).

Đây là những tài liệu có giá trị rất lớn không chỉ đối tỉnh Nam Định mà còn có ý nghĩa quốc gia bởi nó phản ánh một phần lịch sử dân tộc Việt Nam trong đấu tranh gian khổ và thiết lập mối quan hệ quốc tế, muốn làm bạn với tất cả các quốc gia, dân tộc trên toàn thế giới.

          Như vậy, khối tài liệu lưu trữ hiện đang được bảo quản tại kho Lưu trữ Lịch sử tỉnh Nam Định có ý nghĩa rất lớn đối với công tác nghiên cứu lịch sử và có giá trị đặc biệt trong thực tiễn xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, góp phần gìn gữ lòng yêu nước, tự hào dân tộc./.

 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác