Tổng tuyển cử bầu Quốc hội năm 1976 và quyết định của nhân dân trong việc thống nhất nước nhà về mặt nhà nước

1. Tổng tuyển cử - quyết định của toàn dân trong việc thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước

Sự nghiệp thống nhất Tổ quốc về mặt Nhà nước sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng là vấn đề vô cùng hệ trọng, tác động trực tiếp lên vận mệnh của Tổ quốc và tình cảm dân tộc của khoảng 45 triệu dân Việt Nam. Bởi lẽ, xét về bối cảnh lịch sử của đất nước ta lúc bấy giờ, tuy là một nước độc lập, thống nhất hoàn toàn về mặt lãnh thổ, nhưng về mặt về danh nghĩa Nhà nước, ở Việt Nam lúc này lại tồn tại hai hình thức Nhà nước khác nhau: Miền Bắc Việt Nam là nhà nước “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Miền Nam Việt Nam là nhà nước “Cộng hòa Miền Nam Việt Nam”. Do vậy, sự nghiệp thống nhất Tổ quốc của nhân dân ta chưa được “chính thức hóa”, việc phát triển kinh tế quốc dân của cả nước, việc củng cố và thống nhất quốc phòng, việc mở rộng dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân,... vẫn còn gặp những khó khăn, trở ngại.

Chính vì vậy, việc thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước, tạo nên sức mạnh tổng hợp cho cách mạng Việt Nam, tạo nên một bộ máy Nhà nước chung, thống nhất của hai Miền để đưa cả nước tiến lên xã hội chủ nghĩa trở thành nhiệm vụ cấp bách, đòi hỏi phải sớm được thực hiện. Các nhiệm vụ chính yếu cần đi đến thống nhất đó là: hoàn thành thống nhất giữa hai Miền về bộ máy tổ chức chính quyền Nhà nước chung (1). Việc tổ chức Tổng tuyển cử trong cả nước bầu Quốc hội chung, qua đó bầu ra các cơ quan lãnh đạo của Nhà nước; xây dựng Hiến pháp và pháp luật, phát huy quyền làm chủ đất nước của nhân dân,...

Trong số các nhiệm vụ trên, việc tổ chức Tổng tuyển cử Quốc hội chung trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam được xem là yếu tố “cốt lõi” (khâu quan trọng nhất) trong toàn bộ quá trình thống nhất đất nước về mặt Nhà nước. Điều này thể hiện trên các mặt sau:

 Thứ nhất, Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung sẽ thiết lập nên bộ máy chính quyền nhà nước Việt Nam thống nhất - công cụ sắc bén để quản lí nhà nước và điều hành xã hội.

Thông qua cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước, nhân dân hai Miền sẽ bầu ra Quốc hội nước Việt Nam thống nhất. Quốc hội mới sẽ tiến hành họp để xác định thể chế Nhà nước Việt Nam, quyết định tên nước, quốc huy, quốc kì, quốc ca và Thủ đô; bầu ra các cơ quan lãnh đạo Nhà nước để thực hiện việc quản lí kinh tế, quản lí xã hội, quản lí mọi hoạt động xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thi hành chính sách đối nội và đối ngoại của Nhà nước,...

Bên cạnh đó, với chức năng lập pháp và giám sát, Quốc hội mới sẽ xây dựng Hiến pháp của nước Việt Nam thống nhất, thông qua Luật tổ chức Nhà nước và các bộ luật cần thiết khác để xây dựng và phát triển đất nước thống nhất. Đồng thời, Quốc hội mới sẽ thay mặt nhân dân giám sát và thẩm tra việc thực hiện pháp luật, giám sát việc thực hiện kế hoạch Nhà nước... với quyền giám sát của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất.

Thứ hai, Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung trong cả nước là biện pháp dân chủ quan trọng để phát huy quyền làm chủ đất nước của nhân dân.

Thông qua cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước, nhân dân Việt Nam sẽ phát huy quyền làm chủ của mình qua lá phiếu cử tri bầu Quốc hội mới của một nước Việt Nam thống nhất. Lá phiếu đó sẽ được thực hiện trên những nguyên tắc bầu cử dân chủ: phổ thông, bình đẳng trực tiếp và bỏ phiếu kín (2) bầu ra Quốc hội nước Việt Nam thống nhất - cơ quan Nhà nước quyền lực cao nhất, đại diện cho quyền, lợi ích của nhân dân, thực hiện duy trì và điều hành quyền lực của bộ máy cơ quan Nhà nước.

Việc bầu ra Quốc hội mới của một đất nước thống nhất phải do nhân dân cả nước tiến hành, tự giác, tự nguyện tham gia và theo thể lệ bầu cử do chính quyền Nhà nước ở hai Miền thống nhất, quy định. Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước cũng là dịp để nhân dân hai Miền, nhất là Miền Nam sau nhiều năm sống dưới chế độ thực dân kiểu mới thấy được ý nghĩa và tác dụng to lớn của việc bầu cử dân chủ và phát huy trọn vẹn quyền làm chủ của mình.

Thứ ba, Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước là dịp để Đảng Lao động Việt Nam và chính quyền nhà nước ở hai Miền củng cố quan điểm thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; giáo dục và nâng cao tinh thần làm chủ tập thể của toàn dân; giáo dục sâu rộng ý thức tôn trọng quyền làm chủ thật sự của nhân dân; gây không khí phấn khởi và tin tưởng trong nhân dân; đẩy mạnh phong trào thi đua lao động, sản xuất, ra sức xây dựng lại nước nhà, ổn định đời sống, phục hồi và phát triển kinh tế, phát triển văn hoá, làm cho cả nước trở thành một nước xã hội chủ nghĩa.(3)

Thứ tư, Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước còn là một cuộc biểu dương lực lượng đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc, đấu tranh của những người yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội. Đó là cuộc biểu dương lực lượng chính trị quan trọng của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhằm xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa.(4)

Tóm lại, Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung trong cả nước có quan hệ mật thiết đến việc thành lập và củng cố Nhà nước Việt Nam thống nhất, đến quyền làm chủ đất nước của nhân dân và có tác dụng quyết định đối với việc thực hiện thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước.

Bí thư thứ nhất TƯ Đảng Lê Duẩn bỏ phiếu bầu Quốc hội khóa VI tại khu phố Ba Đình, Hà Nội, tháng 4/1976. Nguồn: quochoi.vn.

 

2. Vài nét về Tổng tuyển cử năm 1976

Về công tác tổ chức

Xuất phát từ việc xác định và khẳng Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung trong cả nước (do nhân dân tiến hành và chính quyền Nhà nước ở hai Miền tổ chức) là yếu tố “cốt lõi” quyết định việc “chính thức hóa” sự nghiệp thống nhất Tổ quốc của nhân dân Việt Nam (5), Đảng Lao động Việt Nam, Quốc hội và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam và Hội đồng Cố vấn Chính phủ đã khẩn trương thực hiện các hoạt động cần thiết nhằm nhanh chóng đi đến cuộc Tổng tuyển cử bầu quốc hội trong cả nước.

Trên cơ sở kết quả của Hội nghị Hiệp thương chính trị (tổ chức từ ngày 15/11 - 21/11/1975, tại Sài Gòn), việc tổ chức cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước vào ngày Chủ nhật trong tháng 4/1976. (6) Để cuộc bầu cử đạt kết quả tốt, lựa chọn những người thật xứng đáng vào Quốc hội, ngày 03/01/1976, Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam đã ban hành Chỉ thị số 228-CT/TW về tổ chức lãnh đạo cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước. Chỉ thị nhấn mạnh:

“Cuộc tổng tuyển cử tới khẳng định ý chí của toàn dân ta xây dựng thành công một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, ngày nay tức là một nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa”.(7)

Chỉ thị yêu cầu:

Hiện nay, tình hình xã hội ở hai miền còn có những chỗ khác nhau; việc vận dụng các tiêu chuẩn về thành phần cũng như về yêu cầu đối với ứng cử viên cần phải được chỉ đạo chặt chẽ cho sát với thực tế ở mỗi miền. Ở miền Nam, cuộc bầu cử cũng sẽ tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín, nhưng phải nghiên cứu để cụ thể hoá những nguyên tắc ấy trong thể lệ bầu cử thích hợp với tình hình thực tế ở miền Nam”.(8)

Thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị về việc lãnh đạo cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước, căn cứ vào các Văn kiện của Hội nghị Hiệp thương thống nhất Tổ quốc, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hội đồng Cố vấn Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam đã ra Thông cáo chung về quyết định ngày tổ chức Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của nước Việt Nam thống nhất là ngày Chủ nhật 25/4/1976. Đồng thời, quyết định thành lập Hội đồng bầu cử toàn quốc (9) gồm 22 đại biểu. Cơ cấu cụ thể:

- Miền Bắc: 11 đại biểu do Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cử ra;

- Miền Nam 11 đại biểu do Hội đồng Cố vấn Chính phủ Miền Nam quyết định cử ra.

Đồng chí Trường Chinh - Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội được bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử toàn quốc. Đồng chí Phạm Hùng - Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam, Bí thư Đảng bộ Miền Nam được bầu là Phó Chủ tịch hội đồng bầu cử toàn quốc.

Để chuẩn bị cho cuộc Tổng tuyển cử, từ ngày 21/02 – 22/02/1976, Hội đồng bầu cử toàn quốc đã tiến hành phiên toàn thể lần thứ nhất tại thành phố Hồ Chí Minh để thống nhất nhận định về mục đích, yêu cầu của cuộc Tổng Tuyển cử chung của cả nước và về nhiệm vụ của Hội đồng bầu cử toàn quốc.

Theo đó, Hội đồng bầu cử toàn quốc (10) có nhiệm vụ:

- Hướng dẫn việc bầu Quốc hội trong cả nước và giám sát trực tiếp ở đơn vị bầu cử Bình - Trị - Thiên;

- Giám sát cuộc bỏ phiếu trong phạm vi cả nước;

- Tổng kết bầu cử;

- Tuyên bố kết quả bầu cử;

- Cấp giấy chứng nhận cho các đại biểu trúng cử;

- Báo kết quả bầu cử trước Quốc hội.

Hội đồng bầu cử toàn quốc cũng xem xét và xác định cơ sở pháp lí cho cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội trong cả nước gồm:

- Luật bầu cử Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa;(11)

- Pháp lệnh quy định việc bầu cử đại biểu Quốc hội ở Miền Nam;(12)

- Những quy định khác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, của Chính phủ cách mạng lâm thời Miền Nam Việt Nam và Hội đồng Cố vấn Chính phủ về số đại biểu Quốc hội, số đơn vị bầu cử Quốc hội và khu vực bầu cử ở mỗi Miễn trong cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước; quy định về hướng dẫn việc bầu cử theo Luật bầu cử đại biểu Quốc hội ở Miền Bắc và Pháp lệnh bầu cử của Miền Nam ở Miền Nam trong cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước,...

Tiếp đó, để đảm bảo công tác bầu cử, cơ quan phụ trách bầu cử của mỗi Miền là Hội đồng bầu cử Miền Bắc và Hội đồng bầu cử Miền Nam hoạt động dưới sự lãnh đạo của Hội đồng bầu cử toàn quốc được thành lập. Ở miền Bắc, cơ quan chủ trì cuộc bầu cử là Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.(13) Ở Miền Nam, cơ quan chủ trì cuộc bầu cử Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam. Hội đồng bầu cử mỗi Miền có thực hiện kiểm tra, đôn đốc việc thi hành luật lệ bầu cử; xét và giải quyết những khiếu nại về công tác bầu cử; tiếp nhận và kiểm tra biên bản bầu cử do các đơn vị bầu cử gửi đến trước khi gửi lên Hội đồng bầu cử toàn quốc.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Hội đồng bầu cử toàn quốc, Hội đồng bầu hai Miền, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước đã diễn ra trong điều kiện hoà bình. Nhân dân ta bước vào cuộc Tổng tuyển cử với tinh thần phấn khởi, tự hào trước thắng lợi huy hoàng đã giành được, với lòng tin tưởng sâu sắc vào sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam và tiền đồ vẻ vang của dân tộc Việt Nam.

Ở miền Bắc, việc giới thiệu những người ra ứng cử được áp dụng theo Luật bầu cử đại biểu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng. Những người ra ứng cử đều do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giới thiệu. Việc niêm yết danh sách cử tri và tổ chức các cuộc tiếp xúc giữa ứng cử viên đại biểu Quốc hội với cử tri ở các khu vực bầu cử được thực hiện nghiêm túc, bảo đảm công khai và dân chủ để cử tri trao đổi ý kiến, tự mình lựa chọn bầu những đại biểu xứng đáng vào Quốc hội.

Ở Miền Nam, Danh sách những người ra ứng cử đã được các tổ chức quần chúng ở cơ sở thảo luận để đưa lên Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam và Ủy ban Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam thống nhất hiệp thương và chính thức giới thiệu.

Các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm đã tích cực giúp đỡ Hội đồng bầu cử hai Miền, các Ban bầu cử và các Tổ bầu cử hoạt động và tạo mọi điều kiện thuận lợi để công dân sử dụng đầy đủ quyền bầu cử của mình.

Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia Tổng tuyển cử đã được triển khai trong cả nước. Các văn kiện của Đảng và Nhà nước về Tổng tuyển cử được giới thiệu và tổ chức học tập rộng rãi trong nhân dân.

Trước ngày bầu cử, hầu hết các thị xã, thành phố đều có mít tinh, diễu hành của quần chúng hoan nghênh Tổng tuyển cử. Riêng tại thành phố Hồ Chí Minh, hàng chục vạn công nhân, nông dân, trí thức, văn nghệ sĩ, sinh viên, học sinh đã xuống đường tuần hành. Ở các địa phương khác, các cơ quan, tổ chức đều có những hoạt động thiết thực để chào mừng Tổng tuyển cử.

Đông đảo cử tri, nhân dân cả nước đi bầu cử . Nguồn: quochoi.vn.

 

Kết quả

Ngày 25/4/1976, trong không khí ngày hội lớn của dân tộc, trên 23 triệu cử tri trong cả nước, với tư thế của người làm chủ đất nước, đã thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, quyết định của mình bằng lá phiếu cử tri để chọn ra những đại biểu xứng đáng vào Quốc hội Việt Nam - cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa.

Theo Thông cáo của Hội đồng bầu cử toàn quốc về kết quả Tổng quyển cử bầu quốc hội chung của cả nước ngày 25/4/1976 (14), cuộc Tổng tuyển cử đã được tiến hành thật sự dân chủ, đúng Luật bầu cử của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Pháp lệnh bầu cử của Cộng hòa Miền Nam Việt Nam. Quyền làm chủ tập thể của nhân dân, quyền bình đẳng giữa các dân tộc và nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín được tôn trọng. Đây là những nguyên tắc cơ bản của một cuộc bầu cử dân chủ, được tiếp tục kế thừa từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam cách đó đúng 30 năm.

Cuộc bầu cử được tiến hành nhanh, gọn và đạt kết quả tốt. Tỉ lệ cử tri đi bầu trong cả nước đạt 98,77%, trong đó Miền Bắc: 99,36%, Miền Nam: 98,59%, Hà Nội: 99,82%, thành phố Hồ Chí Minh: 98,24%. Ở cả hai Miền có nhiều huyện, thị, đơn vị vũ trang và khu vực bỏ phiếu đạt 100% cử tri thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân.

Kết quả bầu cử đã được Hội dồng bầu cử toàn quốc công bố chính thức như sau:

- Tổng số đơn vị và khu vực bầu cử được quy định: 80;

- Tổng số đại biểu Quốc hội được bầu: 492 đại biểu;

- Tổng số người ứng cử: 605 người;

- Tỉ lệ cử tri đã đi bầu so với so với tổng số cử tri ghi trong phiếu: 98,77%

- Tỉ lệ số phiếu hợp lệ so với số phiếu bầu: 99,12%;

- Tổng số đại biểu trúng cử là: 492 người, trong đó: 132 đại biểu nữ, 127 đại biểu thanh niên, 72 đại biều dân tộc thiểu số, 29 đại biểu là anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Trong số đại biểu trúng cử có: 80 đại biểu là công nhân, 100 đại biểu là nông dân, 06 đại biểu làm nghề thủ công, 54 đại biểu là quân nhân, 141 đại biểu là cán bộ chính trị, 98 đại biểu là trí thức, nhân sĩ dân chủ, 13 đại biểu các tôn giáo. Thành phần của đại biểu Quốc hội đã được cử tri lựa chọn phản ánh đậm nét hình ảnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước một nước Việt Nam thống nhất, hòa bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa.

Về Danh sách 492 người trúng cử theo 38 tỉnh, thành phố: Hà Nội: 22 đại biểu; thành phố Hồ Chí Minh: 35 đại biểu; Hải Phòng: 13 đại biểu; Lai Châu: 03 đại biểu; Sơn La: 04 đại biểu; Hoàng Liên Sơn: 07 đại biểu; Hà Tuyên: 07 đại biểu; Cao Lạng: 09 đại biểu; Bắc Thái: 08 đại biểu; Quảng Ninh: 08 đại biểu; Hà Sơn Bình: 21 đại biểu; Hà Bắc: 15 đại biểu; Vĩnh Phú: 16 đại biểu; Hải Hưng: 20 đại biểu; Thái Bình: 15 đại biểu; Hà Nam Ninh: 26 đại biểu; Thanh Hóa: 23 đại biểu; Nghệ Tĩnh: 27 đại biểu; Bình Trị Thiên: 19 đại biểu; Quảng Nam - Đà Nẵng: 15 đại biểu; Nghĩa Bình: 18 đại biểu; Phú Khánh: 11 đại biểu; Gia Lai - Kon Tum: 06 đại biểu; Đắk Lắk 05 đại biểu; Lâm Đồng: 04 đại biểu; Thuận Hải: 09 đại biểu; Đồng Nai: 13 đại biểu; Sông Bé: 06 đại biểu; Tây Ninh: 06 đại biểu; Long An: 08 đại biểu; Tiền Giang: 11 đại biểu; Bến Tre: 09 đại biểu; Cửu Long: 13 đại biểu; Đồng Tháp: 10 đại biểu; An Giang: 14 đại biểu; Hậu Giang: 19 đại biểu; Kiên Giang: 08 đại biểu; Minh Hải: 10 đại biểu.

Với kết quả như trên, cuộc Tổng tuyển cử Quốc hội chung của cả nước ngày 25/4/1976 là một thắng lợi có ý nghĩa quyết định trên con đường tiến tới hoàn thành thống nhất Tổ quốc về mặt Nhà nước; khẳng định một cách hùng hồn ý chí thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam, khẳng định sức mạnh vô địch khối đại đoàn kết dân tộc trong việc xây dựng một nước Việt Nam hòa bình thống nhất và xã hội chủ nghĩa.

Kết quả của cuộc Tổng tuyển cử bầu quốc hội chung của cả nước cũng cho thấy đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước phù hợp với nguyện vọng và lợi ích của nhân dân cả nước, được nhân dân cả nước đồng tình hưởng ứng.

 Nhân dân Việt Nam, đặc biệt là nhân dân miền Nam mặc dù mới thoát khỏi ách thống trị của chế độ thực dân kiểu mới đã nhận thức sâu sắc quyền lợi và nghĩa vụ của mình, nhận thức rõ“Lá phiếu cử tri có một giá trị cao quý: nó là một dấu hiệu xác nhận rằng nhân dân thật sự làm chủ đất nước” (15), thấy rõ tính ưu việt của chế độ chính trị, bộ máy chính quyền Nhà nước thống nhất mà Đảng Lao động Việt Nam và chính quyền ở hai Miền lựa chọn bằng chính lá phiếu cử tri bầu ra Quốc hội Việt Nam thống nhất - cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, thực hiện duy trì và điều hành quyền lực của Nhà nước, xác định hình thức tổ chức, nhiệm vụ và nội dung hoạt động của Nhà nước, lập và bầu các cơ quan, tổ chức Nhà nước, xây dựng Hiến pháp, pháp luật của một quốc gia.

Như vậy là, sau đúng 360 ngày Miền Nam giải phóng, sự nghiệp thống nhất Tổ quốc đã được “chính thức hóa” bằng cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội nước Việt Nam thống nhất. Kết quả của cuộc Tổng tuyển cử đã giải quyết cơ bản những vấn đề bức thiết về yêu cầu thống nhất về mặt Nhà nước - yêu cầu của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới, đồng thời thỏa thỏa mãn được nhu cầu, nguyện vọng thống nhất Tổ quốc của toàn thể nhân dân Việt Nam.

Có thể nói, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung trong cả nước được tổ chức vào ngày 25/4/1975 là một sự kiện chính trị trọng đại, đánh dấu thắng lợi có tính quyết định của nhân dân ta trên con đường thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước.

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử khẳng định quyền làm chủ đất nước của nhân dân Việt Nam, trong việc tự nắm lấy vận mệnh của mình để xây dựng một cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc.

Thắng lợi này cũng khẳng định ý chí, nguyện vọng và sự đoàn kết của nhân dân Việt Nam trong việc xây dựng một nước Việt Nam thống nhất, hoà bình, độc lập, tự do và xã hội chủ nghĩa./.

--------------------

Chú thích:

(1) Nghị quyết số 247-NQ/TW, ngày 29/9/1975 Hội nghị lần thứ hai mươi tư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam về nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới đã quyết định giải thể Trung ương Cục miền Nam, giải thể các Khu uỷ ở cả hai miền, đồng thời, thành lập Ban đại diện Trung ương Đảng và Chính phủ ở miền Nam, một hình thức tổ chức làm việc để thực hiện sự chỉ đạo tại chỗ của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ. Văn kiện Đảng toàn tập, tập 36, NXB Chính trị quốc gia, H:2004, tr404.

(2) Nguyên tắc bầu cử dân chủ: phổ thông, bình đẳng trực tiếp và bỏ phiếu kín được quy định tại Sắc lệnh số 14-SL ngày 08/9/1945 của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về việc triệu tập Quốc dân Đại hội và Sắc lệnh số 51-SL ngày 17/10/1945 của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về ấn định ngày Tổng tuyển cử và quy định thể lệ bầu cử Quốc dân đại hội. Nguyên tắc bầu cử dân chủ này tiếp tục được quy định trong Điều 1. Luật bầu cử đại biểu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ban hành ngày 13/01/1960.

(3) Văn kiện Đảng toàn tập, tập 37, NXB Chính trị quốc gia, H:2000, tr8-9.

(4) Văn kiện Đảng toàn tập, tập 37, NXB Chính trị quốc gia, H:2000, tr9.

(5) Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất Tổ quốc tại kì họp thứ 2, Quốc hội Khóa V. Văn kiện Quốc hội toàn tập, tập 4, tr876-877.

(6) Biên bản tốc kí Hội nghị hiệp thương chính trị thống nhất Tổ quốc. Trung tâm Lưu trữ quốc gia III. Phông Quốc hội. Hồ sơ số 2161, tập 4, tờ  số 1-32.

(7) Văn kiện Đảng toàn tập, tập 37, NXB Chính trị quốc gia, H:2000, tr13.

(8) Văn kiện Đảng toàn tập, tập 37, NXB Chính trị quốc gia, H:2000, tr9.

(9) Trung tâm Lưu trữ quốc gia III. Công báo nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, số 1, ngày 15/01/1976, tr2-3.

(10) Những vấn đề đã được hai đoàn đại biểu nhất trí thông qua trong Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất Tổ quốc. Trung tâm Lưu trữ quốc gia III. Phông Quốc hội. Hồ sơ số 2161, tập 4, tờ số 40-45.

(11) Luật bầu cử đại biểu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà ban hành ngày 13/01/1960.

(12) Pháp lệnh bầu cử đại biểu Quốc hội của Miền Nam do Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam ban hành  ngày 20/2/1976

(13) Nghị quyết số 74-NQ/QH/K5 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập Hội đồng bầu cử Miền Bắc để phụ trách việc bầu cử đại biểu Quốc hội chung của cả nước ở Miền Bắc. Trung tâm Lưu trữ quốc gia III. Công báo nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, số 6, ngày 15/4/1976, tr70.

(14) Trung tâm Lưu trữ quốc gia III. Công báo nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa số 8, ngày 15/5/1976.

(15) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10, NXB Chính trị quốc gia. H:2000, trang 131-132.

 

 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác