Trình tự, thủ tục xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh theo quy định tại khoản 1,2,3 Điều 27 Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 (áp dụng đối với Nghị quyết do UBND tỉnh trình), cụ thể như sau:
I. Giai đoạn lập đề nghị xây dựng nghị quyết
1. Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết
Cơ quan chuyên môn trong việc đề nghị xây dựng Nghị quyết có trách nhiệm chuẩn bị hồ sơ trình UBND tỉnh, gồm:
+ Tờ trình đề nghị xây dựng nghị quyết, trong đó phải nêu rõ căn cứ ban hành nghị quyết; đối tượng, phạm vi điều chỉnh, nội dung chính của nghị quyết; thời gian dự kiến đề nghị Hội đồng nhân dân xem xét, thông qua; dự kiến nguồn lực, điều kiện bảo đảm cho việc thi hành nghị quyết (theo mẫu 02 Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định số 154/2020/NĐ-CP).
+ Tài liệu khác (nếu có).
2. Bước 2: UBND tỉnh thông qua đề nghị xây dựng Nghị quyết
- Văn phòng UBND tỉnh tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ đề nghị xây dựng nghị quyết do cơ quan đề nghị xây dựng nghị quyết gửi đến. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, trong thời hạn 03 ngày làm việc, yêu cầu cơ quan đề nghị hoàn thiện hồ sơ.
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Văn phòng UBND tỉnh phải báo cáo lãnh đạo UBND tỉnh để đưa vào chương trình phiên họp gần nhất của UBND tỉnh (UBND có trách nhiệm xem xét, thảo luận tập thể và biểu quyết theo đa số để thông qua chính sách trong từng đề nghị xây dựng Nghị quyết).
- Văn phòng UBND tỉnh thông báo ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh đối với hồ sơ đề nghị xây dựng nghị quyết cho cơ quan đề nghị xây dựng nghị quyết.
- Tổng hợp hồ sơ theo khoản 2, khoản 3, Điều 117 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 34 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung năm 2020) để báo cáo UBND tỉnh trình Thường trực HĐND tỉnh xem xét, quyết định.
3. Bước 3: Thường trực HĐND tỉnh xem xét, quyết định
Thường trực HĐND tỉnh xem xét đề nghị xây dựng Nghị quyết; nếu chấp thuận thì Thường trực HĐND tỉnh có văn bản phân công cơ quan, tổ chức trình dự thảo Nghị quyết, thời hạn trình Hội đồngg nhân dân tỉnh.
Cơ quan, tổ chức trình (UBND tỉnh) phân công cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo, cơ qaun phối hợp soạn thảo Nghị quyết.
II. GIAI ĐOẠN XÂY DỰNG NGHỊ QUYẾT
1. Bước 1: UBND tỉnh phân công cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo, cơ quan phối hợp soạn thảo Nghị quyết
2. Bước 2: Cơ quan chủ trì soạn thảo xây dựng dự thảo Nghị quyết (theo mẫu phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 154/2020/NĐ-CP).
3. Bước 3: Lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan; lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản; đăng tải văn bản dự thảo quyết định cần lấy ý kiến lên Cổng thông tin điện tử của tỉnh theo quy định, cụ thể:
- Dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh phải được đăng tải toàn văn trên cổng thông tin điện tử của tỉnh trong thời hạn ít nhất là 30 ngày để các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý kiến.
- Cơ quan chủ trì soạn thảo tổ chức lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức có liên quan. Văn bản gửi lấy ý kiến phải xác định những vấn đề cần lấy ý kiến và bảo đảm ít nhất là 30 ngày kể từ ngày gửi văn bản lấy ý kiến để các đối tượng được lấy ý kiến góp ý vào dự thảo văn bản.
- Cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được dự thảo văn bản.
4. Bước 4: Tiếp thu ý kiến đóng góp, hoàn thiện dự thảo
Cơ quan chủ trì soạn thảo tổng hợp ý kiến, xây dựng bản giải trình, tiếp thu ý kiến và hoàn thiện dự thảo
5. Bước 5: Gửi Sở Tư pháp thẩm định
-Chậm nhất là 25 ngày trước ngày Ủy ban nhân dân họp, cơ quan chủ trì soạn thảo phải gửi hồ sơ dự thảo Nghị quyết đến Sở Tư pháp để thẩm định.
- Hồ sơ gửi Sở Tư pháp thẩm định gồm:
+ Tờ trình Ủy ban nhân dân về dự thảo Nghị quyết;
+ Dự thảo Nghị quyết;
+ Bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân; bản chụp ý kiến góp ý;
+ Báo cáo đánh giá tác động của chính sách đối với Nghị quyết; (áp dụng trong trường hợp nghị quyết ban hành theo khoản 2, khoản 3 Điều 27)
+ Tài liệu khác (nếu có).
6. Bước 6: Thẩm định dự thảo Nghị quyết
- Sở Tư pháp tiếp nhận và thẩm định dự thảo Nghị quyết; yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo những vấn đề thuộc nội dung của dự thảo Nghị quyết; tự mình hoặc cùng cơ quan chủ trì soạn thảo tổ chức khảo sát về những vấn đề thuộc nội dung của dự thảo quyết định.
- Đối với dự thảo quyết định liên quan đến nhiều lĩnh vực hoặc do Sở Tư pháp chủ trì soạn thảo thì Giám đốc Sở Tư pháp thành lập hội đồng thẩm định, bao gồm đại diện các cơ quan, tổ chức có liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học.
- Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ gửi thẩm định, Sở Tư pháp phải gửi Báo cáo thẩm định đến cơ quan chủ trì soạn thảo. Báo cáo thẩm định phải thể hiện rõ ý kiến về nội dung thẩm định quy định và ý kiến về việc dự thảo quyết định đủ điều kiện hoặc chưa đủ điều kiện trình Ủy ban nhân dân.
7. Bước 7: Hoàn thiện dự thảo Nghị quyết và trình UBND tỉnh
- Cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, đồng thời gửi báo cáo giải trình, tiếp thu kèm theo dự thảo văn bản đã được chỉnh lý đến Sở Tư pháp khi trình Ủy ban nhân dân dự thảo Nghị quyết.”.
- Hồ sơ trình UBND tỉnh gồm:
+ Tờ trình Ủy ban nhân dân về dự thảo Nghị quyết;
+ Dự thảo Nghị quyết;
+ Bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân; bản chụp ý kiến góp ý;
+ Báo cáo đánh giá tác động của chính sách đối với Nghị quyết;
+ Báo cáo thẩm định của Sở Tư pháp;
+ Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định đối với dự thảo Nghị quyết
+ Tài liệu khác (nếu có)
- Thời gian gửi hồ sơ: chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày Ủy ban nhân dân họp để chuyển đến các thành viên Ủy ban nhân dân.
8. Bước 8: UBND tỉnh quyết định việc trình dự thảo Nghị quyết
- Văn phòng UBND tỉnh có trách nhiệm tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ dự thảo. Trường hợp hồ sơ không đầy đủ, chậm nhất là 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, có văn bản yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo hoàn thiện hồ sơ theo quy định.
- Chậm nhất là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ dự thảo, Văn phòng UBND tỉnh trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định việc đưa ra phiên họp của UBND tỉnh.
- Ủy ban nhân dân có trách nhiệm xem xét, thảo luận tập thể và biểu quyết theo đa số để quyết định việc trình dự thảo nghị quyết ra Hội đồng nhân dân cùng cấp.
9. Bước 9: Thẩm tra dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh
- Cơ quan thực hiện thẩm tra: Các Ban của Hội đồng nhân dân được phân công thẩm tra
Ban của Hội đồng nhân dân được phân công thẩm tra không tiến hành thẩm tra dự thảo nghị quyết khi chưa đủ các tài liệu trong hồ sơ hoặc hồ sơ gửi không đúng thời hạn theo quy định
- Thời gian gửi hồ sơ thẩm tra: Chậm nhất là 15 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh phải gửi hồ sơ dự thảo nghị quyết đến Ban của Hội đồng nhân dân được phân công thẩm tra để thẩm tra. Hồ sơ gửi thẩm tra bao gồm:
+ Tờ trình Hội đồng nhân dân về dự thảo nghị quyết;
+ Dự thảo nghị quyết;
+ Báo cáo thẩm định và báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định đối với dự thảo nghị quyết;
+Bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân; bản chụp ý kiến góp ý; báo cáo đánh giá tác động của chính sách đối với nghị quyết;
+ Tài liệu khác (nếu có).
10. Bước 10: Gửi báo cáo thẩm tra đến Thường trực HĐND tỉnh
Chậm nhất là 10 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Hội đồng nhân dân, Ban của HĐND tỉnh được phân công thẩm tra phải gửi Báo cáo thẩm tra đến Thường trực Hội đồng nhân dân
Báo cáo thẩm tra phải thể hiện rõ quan điểm của cơ quan thẩm tra về những vấn đề thuộc nội dung thẩm tra quy định tại khoản 3 Điều 124 Luật Ban hành VBQPPL và đề xuất những nội dung cần sửa đổi, bổ sung, phương án xử lý của cơ quan chủ trì thẩm tra đối với những vấn đề còn có ý kiến khác nhau.
11. Bước 11: Trình Hội đồng nhân dân tỉnh hồ sơ dự thảo Nghị quyết
- Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo việc chuẩn bị hồ sơ dự thảo nghị quyết để gửi đến đại biểu Hội đồng nhân dân.
- Hồ sơ dự thảo nghị quyết bao gồm:
+ Tờ trình Hội đồng nhân dân về dự thảo nghị quyết;
+ Dự thảo nghị quyết;
+ Báo cáo thẩm định và báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định đối với dự thảo nghị quyết;
+Bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân; bản chụp ý kiến góp ý; báo cáo đánh giá tác động của chính sách đối với nghị quyết;
+ Báo cáo thẩm tra;
+ Tài liệu khác (nếu có).
- Hồ sơ dự thảo nghị quyết phải được gửi đến các đại biểu Hội đồng nhân dân chậm nhất là 07 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Hội đồng nhân dân.
12. Bước 12: HĐND xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết
- Việc xem xét, thông qua dự thảo nghị quyết tại kỳ họp của Hội đồng nhân dân được tiến hành theo trình tự sau đây:
+ Đại diện cơ quan, tổ chức trình dự thảo nghị quyết thuyết trình dự thảo nghị quyết;
+ Đại diện Ban của Hội đồng nhân dân được phân công thẩm tra trình bày báo cáo thẩm tra;
+ Hội đồng nhân dân thảo luận;
+ Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Ban của Hội đồng nhân dân được phân công thẩm tra chủ trì, phối hợp cơ quan, tổ chức trình, Sở Tư pháp giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết;
+ Hội đồng nhân dân thảo luận và biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết.
-Dự thảo nghị quyết được thông qua khi có quá nửa tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân biểu quyết tán thành.
- Chủ tịch Hội đồng nhân dân ký chứng thực nghị quyết./.
Thanh tra Sở