Theo đó Sở Nội vụ hướng dẫn một số điểm cần lưu ý khi xây dựng Đề án thành lập ban quản lý dự án khu vực huyện, thành phố (sau đây gọi tắt là Ban QLDA huyện), cụ thể như sau:
I. Căn cứ pháp lý và sự cần thiết phải sắp xếp, thành lập các Ban QLDA huyện.
1. Căn cứ pháp lý.
Luật Xây dựng ngày 18/6/2014;
Nghị quyết số 18/NQ-TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương về Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn hoạt động hiệu lực hiệu quả;
Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng;
Nghị định 42/2017/NĐ-CP ngày 05/4/2017 của chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư;
Thông tư số 16/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng;
2. Sự cần thiết thành lập Ban QLDA huyện.
Hiện nay trên địa bàn 9 huyện khi có dự án các chủ đầu tư là UBND các huyện, khi được giao làm chủ đầu tư đã thành lập các Ban quản lý dự án giúp việc cho chủ đầu tư đồng thời thuê tư vấn thực hiện các nhiệm vụ trong quá trình thực hiện dự án. Đặc biệt là các dự án do UBND cấp xã là chủ đầu tư thì việc thành lập Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng rất khó khăn lúng túng.
Ban quản lý dự án thuộc UBND các huyện, xã hiện nay hoạt động kiêm nhiệm, bộ máy còn cồng kềnh, năng lực quản lý điều hành của nhiều chủ đầu tư, Ban quản lý dự án hoạt động còn hạn chế, quá trình thực hiện còn lúng túng, vướng mắc. Qua công tác thẩm định, thanh quyết toán cũng như thanh tra, kiểm toán đã chỉ ra công tác thiết kế, lập dự toán, mời thầu, nghiệm thu, thanh quyết toán ... còn có sai sót.
Căn cứ các quy định hiện hành và tình hình thực tế triển khai các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn các huyện, việc thành lập, sắp xếp, tổ chức lại các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các huyện là rất cần thiết.
II. Thành lập Ban QLDA huyện.
1. Vị trí.
a) Ban QLDA huyện là đơn vị sự nghiệp công lập, hoạt động theo nguyên tắc tự bảo đảm về kinh phí hoạt động.
b) Ban QLDA huyện khi hoạt động phải đăng ký năng lực hoạt động với cơ quan quản lý xây dựng nơi đặt trụ sở chính.
c) Ban QLDA huyện có quan hệ phối hợp công tác với các cơ quan, tổ chức liên quan theo quy định của pháp luật.
2. Chức năng.
a) Làm chủ đầu tư một số dự án sử dụng vốn ngân sách, vốn nhà nước ngoài ngân sách khi được cấp có thẩm quyền giao.
b) Tiếp nhận và quản lý sử dụng vốn để đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật.
c) Thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ đầu tư, Ban quản lý dự án quy định tại Điều 68, Điều 69 Luật Xây dựng ngày 18/6/2014 và các quy định của pháp luật có liên quan.
d) Thực hiện các chức năng khác khi được người quyết định thành lập Ban quản lý dự án giao và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ quản lý dự án theo quy định.
đ) Bàn giao công trình xây dựng hoàn thành cho chủ đầu tư, chủ quản lý sử dụng công trình khi kết thúc xây dựng hoặc trực tiếp quản lý, khai thác sử dụng công trình hoàn thành theo yêu cầu của người quyết định đầu tư.
e) Nhận ủy thác quản lý dự án của các chủ đầu tư khi được yêu cầu và có đủ năng lực để thực hiện trên cơ sở đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ quản lý các dự án đã được giao.
3. Nhiệm vụ, quyền hạn. Thực hiện theo Điều 8 Thông tư số 16/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện một số Điều của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về hình thức tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng:
4. Tổ chức hoạt động. Thực hiện theo Điều 9, Điều 10 Thông tư số 16/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện một số Điều của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về hình thức tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng:
a) Cơ cấu tổ chức:
Lãnh đạo Ban QLDA huyện. Có Giám đốc, không quá 02 Phó Giám đốc, Kế toán trưởng.
Giám đốc, các Phó giám đốc, Kế toán trưởng do Chủ tịch UBND huyện bổ nhiệm và miễn nhiệm; Giám đốc quản lý dự án phải có đủ điều kiện năng lực theo quy định tại Điều 54 của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
Các bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ.
- Bộ phận Hành chính - Kế toán.
- Bộ phận Kỹ thuật.
Cá nhân đảm nhiệm thực hiện công việc chuyên môn của Ban QLDA huyện phải có đủ điều kiện năng lực theo quy định của pháp luật về xây dựng và phù hợp với Đề án vị trí việc làm. Trong giai đoạn đến 2025 khi tuyến dụng vào Ban QLDA huyện tuyển cán bộ có chuyên ngành:
+ Kỹ sư xây dựng: Chuyên ngành xây dựng dân dụng và công nghiệp hoặc kỹ thuật xây dựng công trình giao thông.
+ Kỹ sư giao thông: Chuyên ngành cầu đường.
+ Kỹ sư thủy lợi: Chuyên ngành công trình.
Số lượng người làm việc của Ban QLDA huyện. Được xác định trên cơ sở Đề án vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp được phê duyệt. Dự kiến có từ 7 đến 9 người làm việc (là viên chức); (thành phố Nam Định hiện đang có 12 người làm việc).
b) Kinh phí hoạt động. Tự bảo đảm kinh phí hoạt động trên cơ sở sử dụng kinh phí quản lý dự án trong tổng mức đầu tư dự án được duyệt và các nguồn thu hợp pháp khác.
c) Cơ sở vật chất. UBND các huyện có trách nhiệm thu xếp, bố trí phòng làm việc, trang thiết bị cho Ban quản lý dự án.
5. Thẩm quyền quyết định thành lập và trách nhiệm quản lý.
- Chủ tịch UBND các huyện quyết định thành lập Ban QLDA đầu tư xây dựng khu vực của huyện sau khi có văn bản chấp thuận của UBND tỉnh để quản lý các dự án đầu tư do cấp huyện, cấp xã quyết định đầu tư và dự án được UBND cấp tỉnh giao làm chủ đầu tư, trừ các dự án do chủ đầu tư trực tiếp quản lý thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 21 của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP;
- UBND cấp huyện trực tiếp quản lý đối với hoạt động của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng của huyện.
6. Thời gian thực hiện. UBND các huyện nộp Đề án về UBND tỉnh trước ngày 30 tháng 3 năm 2020 (qua Sở Nội vụ).
Chi tiết văn bản