Hướng dẫn nội dung kiểm điểm của Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn tại Hội nghị lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh chủ chốt do HĐND cấp xã bầu
I. Mục đích yêu cầu.
- Việc kiểm điểm của Chủ tịch, Phó chủ tịch HĐND và Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn phải căn cứ vào nhiệm vụ, quyền hạn của các chức danh này được quy định trong Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 và Quy chế hoạt động của HĐND ban hành kèm theo Nghị quyết số 753/2005/NQ-UBTVQH11 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và quy chế làm việc mẫu của UBND xã, phường, thị trấn ban hành kèm theo Quyết định số 77/2006/QĐ-TTg ngày 13-4-2006 của Thủ tướng Chính phủ và căn cứ vào nhiệm vụ chính trị của địa phương.
- Việc kiểm điểm của Chủ tịch, Phó chủ tịch HĐND và Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn phải đảm bảo tính trung thực, khách quan, toàn diện và cụ thể, nêu cả ưu điểm, khuyết điểm, cả mặt làm được và mặt chưa làm được; đồng thời phải chỉ ra nguyên nhân và hướng khắc phục, sửa chữa.
- Việc kiểm điểm của Chủ tịch, Phó chủ tịch HĐND và Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND xã, phường thị trấn phải thực hiện đúng quy định, quy trình và mang tính xây dựng, đảm bảo tinh thần đoàn kết, có tác dụng thúc đẩy các hoạt động ở địa phương không ngừng phát triển để góp phần xây dựng chính quyền cơ sở xã, phường, thị trấn ngày càng vững mạnh.
II. Nội dung kiểm điểm của Chủ tịch, Phó chủ tịch HĐND và Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn.
Nội dung kiểm điểm của Chủ tịch, Phó chủ tịch HĐND và Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND cần tập trung đánh giá về sự chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; năng lực điều hành, quản lý, mức độ hoàn thành chức trách nhiệm vụ được giao; về đạo đức lối sống; tác phong làm việc và tinh thần phục vụ nhân dân.
Cụ thể là:
1. Phẩm chất đạo đức, lối sống:
- Sống trung thực, biết đấu tranh bảo vệ cái đúng, phê phán cái sai.
- Không tham nhũng, tiêu cực và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, không để xảy ra tham nhũng tiêu cực ở địa phương mình.
- Gương mẫu chấp hành và tuyên truyền, giáo dục vợ (chồng), con và người thân trong gia đình chấp hành nghiêm túc Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương. Không để vợ (chồng), con, người thân lợi dụng chức vụ của mình để làm những điều sai trái.
- Có ý thức tổ chức, kỷ luật, tinh thần đoàn kết, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của cán bộ, công chức và của nhân dân.
- Có tinh thần học hỏi, cầu tiến bộ.
2. Kết quả hoàn thành nhiệm vụ được giao:
a. Đối với Chủ tịch, Phó chủ tịch HĐND:
Kiểm điểm dựa trên các nội dung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND mà Chủ tịch HĐND là người đứng đầu, được quy định tại các Điều 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25 trong Quy chế hoạt động của HĐND ban hành kèm theo Nghị quyết số 753/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 02-4-2005 của UBTVQH khoá 11 và các nhiệm vụ do cấp uỷ và cơ quan Nhà nước cấp trên giao cho. Trong đó tập trung kiểm điểm trên các nội dung chính sau đây:
- Cùng với Thường trực HĐND phối hợp UBND và UBMTTQ chuẩn bị nội dung và tổ chức điều hành các kỳ họp, các hội nghị HĐND đảm bảo đúng quy định, có chất lượng.
- Các Nghị quyết của HĐND sát hợp với tình hình, giải quyết những vấn đề bức xúc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng ở địa phương.
- Tổ chức việc tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp HĐND.
- Tổ chức hoạt động giám sát đối với UBND, các cơ quan, tổ chức và cử tri trong việc thực hiện hiến pháp, pháp luật, các quy định của cơ quan nhà nước và nghị quyết HĐND cấp trên, Nghị quyết của HĐND xã, phường, thị trấn.
- Chủ động kiến nghị, đề xuất với cấp uỷ đảng, HĐND và UBND cấp trên những vấn đề liên quan đến các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng ở địa phương.
b. Đối với Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND:
 Kiểm điểm dựa trên các nội dung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND cấp xã, được quy định tại Điều 126, Điều 127 Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003, quy chế làm việc của UBND và các nhiệm vụ do cấp uỷ, cơ quan nhà nước cấp trên giao cho. Trong đó tập trung kiểm điểm trên các nội dung chính sau đây:
* Đối với Chủ tịch UBND:
- Lãnh đạo công tác của UBND, các thành viên UBND, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND theo đúng quy chế và kế hoạch đề ra, cụ thể là:
+ Đôn đốc, kiểm tra công tác của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND trong việc thực hiện hiến pháp, pháp luật, các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, Nghị quyết của HĐND và quyết định, chỉ thị của UBND xã, phường, thị trấn.
+ Quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của UBND trừ các vấn đề quy định tại Điều 124 Luật Tổ chức HĐND và UBND.
+ áp dụng các biện pháp nhằm cải tiến lề lối làm việc, quản lý và điều hành bộ máy hành chính hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; ngăn ngừa và đấu tranh chống các biểu hiện quan liêu, vô trách nhiệm, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác của cán bộ, công chức trong bộ máy chính quyền ở địa phương. Xử lý nghiêm minh, kịp thời và đúng pháp luật các hành vi vi phạm pháp luật và các quy định của địa phương.
- Tổ chức tốt việc tiếp dân, xét và giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của nhân dân theo quy định của pháp luật. Làm tốt công tác an ninh, trật tự ở cơ sở; chỉ đạo và áp dụng các biện pháp để giải quyết các công việc đột xuất, khẩn trương trong phòng, chống thiên tai, cháy nổ, dịch bệnh, an ninh, trật tự, giảm đến mức thấp nhất những thiệt hại khi xảy ra.
- Triệu tập và chủ toạ các phiên họp của UBND đúng luật và có chất lượng.
- Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, chương trình cải cách hành chính ở địa phương. Đặc biệt thực hiện cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm giao dịch hành chính “một cửa”, phục vụ kịp thời các tổ chức và cá nhân khi có những vấn đề liên quan.
- Tăng cường phối hợp công tác với UBMTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương.
* Đối với Phó chủ tịch UBND: kiểm điểm việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn do Chủ tịch UBND phân công và sự phối hợp với Chủ tịch UBND, Phó chủ tịch UBND khác (nếu có) trong việc lãnh đạo, điều hành các công việc của UBND.
3. Năng lực quản lý, điều hành hoạt động của HĐND, UBND,
- Tác phong làm việc khoa học, có hiệu quả. Có quy chế làm việc, có chương trình, kế hoạch công tác và tổ chức thực hiện có kết quả chương trình, kế hoạch công tác đề ra.
- Khả năng viết, nói và thuyết trình trong các hội nghị, cuộc họp và tiếp xúc với quần chúng.
- Khả năng điều hành các cuộc họp, hội nghị theo chương trình đề ra và có chất lượng.
- Khă năng vận dụng, nắm bắt và dự báo đúng tình hình và có phương án giải quyết hiệu quả kịp thời, đúng quy định của pháp luật và phù hợp với phong tục truyền thống ở địa phương, được nhân dân đồng tình ủng hộ.
- Khả năng tập hợp, vận động quần chúng, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo và sự phối hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức và các cá nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ.
III. Tổ chức thực hiện.
Căn cứ vào Hướng dẫn trên đây và tình hình cụ thể ở mỗi địa phương, UBND các huyện và thành phố hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc Chủ tịch, Phó chủ tịch HĐND và Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn tiến hành viết bản tự kiểm điểm của mình, đảm bảo đúng trọng tâm và có chất lượng để các hội nghị lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh chủ chốt do HĐND bầu được tiến hành có kết quả./.

Các tin khác