Xây dựng và thực hiện hiệu quả Đề án vị trí việc làm, từng bước huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực con người để xây dựng tỉnh Nam Định phát triển nhanh và bền vững

Vị trí việc làm là công việc gắn với chức danh, chức vụ, cơ cấu và ngạch công chức để xác định biên chế và bố trí công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị (theo khoản 3 Điều 7 Luật Cán bộ, công chức năm 2008). Theo đó vị trí việc làm là một vị trí hoặc một công việc trong một cơ quan Nhà nước mà ở đó công chức được thực hiện một công việc hay một vài công việc ổn định, lâu dài, có tên gọi theo chức danh, chức vụ hoặc theo tính chất công việc và được gắn liền với quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức đó.

Trong cải cách chế độ công vụ, công chức thì xác định vị trí việc làm là nhiệm vụ trọng tâm và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tuyển dụng, quản lý, đào tạo, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và cải cách tiền lương hiệu quả. Mục tiêu của xác định vị trí việc làm là: Xác định rõ trong một cơ quan, tổ chức có bao nhiêu vị trí công tác và ứng với mỗi vị trí thì cần bao nhiêu người làm việc để hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan đó. Xác định vị trí việc làm là đòi hỏi tất yếu trước khi một cơ quan, đơn vị ra đời để định hình tổ chức bộ máy và tiêu chuẩn chọn nhân sự phù hợp với từng vị trí. Muốn xác định vị trí việc làm không chỉ xác định qua khối lượng, số lượng công việc phải thực hiện ở một vị trí nhất định trong tổ chức bộ máy mà quan trọng hơn là phải xác định được đặc điểm, đặc thù, tính phức tạp và tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cần thiết để thực hiện công việc đó. 

Ngày 20/7/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 62/2020/NĐ-CP về vị trí việc làm và biên chế công chức thay thế Nghị định số 36/2013/NĐ-CP và Nghị định 106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020. Theo đó, vị trí việc làm sẽ được phân loại theo các tiêu chí như sau:

Theo khối lượng công việc: Vị trí việc làm do một người đảm nhiệm, nhiều người đảm nhiệm hoặc kiêm nhiệm;

Theo tính chất, nội dung công việc: Vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý; nghiệp vụ chuyên ngành; hỗ trợ, phục vụ; nghiệp vụ chuyên môn dùng chung như tài chính, kế hoạch và đầu tư, thanh tra, pháp chế, hợp tác quốc tế, tổ chức cán bộ, thi đua khen thưởng, văn phòng…

Đây là những đổi mới có ý nghĩa quan trọng trong cải cách chế độ công vụ, công chức chuyển từ mô hình quản lý đội ngũ cán bộ công chức theo hệ thống chức nghiệp tức là theo chức danh, chức vụ, ngạch, bậc sang quản lý trên cơ sở kết hợp giữa tiêu chuẩn, chức danh với vị trí việc làm. Làm tốt Đề án Vị trí việc làm được coi là nút thắt để cải cách chế độ công vụ, tiền lương về lâu dài đây là bước giúp cho việc kiện toàn và bố trí sử dụng công chức hiệu quả hơn cũng là cơ sở để đổi mới đánh giá công chức theo kết quả làm việc như các nước phát triển đang thực hiện hiệu quả.

Xây dựng đề án vị trí việc làm là một cơ hội tốt giúp các cơ quan, đơn vị Nhà nước rà soát lại tổ chức bộ máy, đội ngũ công chức và xác định từng vị trí trong tổ chức gắn với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan. Công việc này còn giúp cơ quan phát hiện những chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ của các vị trí việc làm, tránh tình trạng định sẵn nhân sự sau đó mới tạo ra công việc và tránh sự chồng chéo khi phân công, giao việc. Nhờ đó, khắc phục tình trạng vừa thừa, vừa thiếu nhân lực.

Xây dựng khung năng lực trong đề án vị trí việc làm giúp xác định các tiêu chí quan trọng trong tuyển dụng công chức phù hợp với từng vị trí làm việc; cải thiện quá trình tuyển chọn và tăng khả năng chọn đúng người cho vị trí tuyển dụng; tiếp cận thị trường nguồn nhân lực dồi dào hơn trên cơ sở các tuyển dụng trong lĩnh vực công ngày càng được minh bạch. Tác dụng cụ thể của xây dựng vị trí việc làm gồm giảm chi phí phát sinh từ những quyết định tuyển dụng không có căn cứ đồng thời tạo dựng hình ảnh chuyên nghiệp, hiện đại cho nền hành chính công của tỉnh. Các cơ quan sẽ có cơ sở đánh giá được năng lực hiện tại của công chức so với cấp độ yêu cầu của từng năng lực đối với mỗi vị trí để từ đó xác định được những năng lực mà công chức cần phải đào tạo, bồi dưỡng thêm để hoàn thành công việc hiệu quả hơn. Đây là cơ sở để cơ quan, đơn vị xây dựng khung chương trình và kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với yêu cầu của công việc, của tổ chức cũng như mong muốn của từng công chức. Trên cơ sở phân tích yêu cầu về năng lực cần thiết cho việc đạt được tầm nhìn, chiến lược dài hạn, cơ quan, đơn vị có thể xác định lên kế hoạch, chiến lược phát triển nguồn nhân lực một cách hợp lý.

Mặt khác, xây dựng đề án vị trí việc làm giúp cho công chức thấy được vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình trong tổ chức, không đùn đẩy, thoái thác công việc. Những biểu hiện về năng lực ở từng cấp độ cụ thể sẽ cung cấp công cụ hữu dụng cho cán bộ, công chức trong việc đánh giá về năng lực, kết quả công việc của bản thân và đồng nghiệp. Khung năng lực giúp chỉ ra những năng lực và biểu hiện tương ứng mỗi công chức cần phải đáp ứng cho từng vị trí cụ thể. Việc so sánh giữa biểu hiện thực tế và yêu cầu tiêu chuẩn của từng vị trí giúp đánh giá được mức độ phù hợp và hoàn thành yêu cầu công việc của vị trí đảm nhiệm của từng công chức.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025, trên cơ sở Quyết định số 2041/QĐ-BNV ngày 31/12/2015 của Bộ Nội vụ về việc phê duyệt danh mục vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính của tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 671/UBND-VP8 ngày 27/7/2021 về việc đôn đốc, xây dựng, điều chỉnh Đề án vị trí việc làm theo đó yêu cầu các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh, các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện, thành phố chủ động xây dựng Đề án vị trí việc làm, điều chỉnh vị trí việc làm của đơn vị mình, hoàn thành trước ngày 15/8/2021; báo cáo UBND tỉnh quyết định; Giao Sở Nội vụ hướng dẫn các cơ quan, đơn vị xây dựng Đề án vị trí việc làm, điều chỉnh vị trí việc làm theo đúng quy định và thẩm định đề án của các đơn vị, trình UBND tỉnh phê duyệt trước ngày 30/8/2021.

Sau khi có ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nội vụ đã ban hành Hướng dẫn số 1582/HD-SNV ngày 29/7/2021 về việc xây dựng Đề án vị trí việc làm, điều chỉnh vị trí việc làm của các cơ quan hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh. Các sở, ban ngành và UBND các huyện thành phố đã tiến hành xây dựng Đề án điều chỉnh vị trí việc làm theo đúng hướng dẫn gửi Sở Nội vụ.

Sở Nội vụ đã tổ chức 03 tổ thẩm định, gồm 12 công chức để nghiên cứu, đóng góp ý kiến hoàn thiện đề án Vị trí việc làm của các cơ quan, đơn vị, địa phương; qua đó trình UBND tỉnh phê duyệt bản Mô tả và Khung năng lực vị trí việc làm của từng đơn vị.

Kết quả tính đến ngày 27/8/2021: 19/19 sở, ban, ngành; 10/10 UBND huyện, thành phố đã được thẩm định đề án điều chỉnh vị trí việc làm và trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định. Đến nay ngày 01/9/2021, UBND tỉnh Nam Định đang ban hành các quyết định phê duyệt bản mô tả công việc và khung năng lực của từng vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức hành chính theo quy định.

Việc xây dựng, điều chỉnh Đề án vị trí việc làm của tỉnh được UBND tỉnh Nam Định mà trực tiếp là Sở Nội vụ xác định phải là công việc thường xuyên, hàng năm và có thể thay đổi linh hoạt theo tình hình thực tế và yêu cầu nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị tại địa phương để có thể mang lại hiệu quả trong hoạt động của các cơ quan.

Đề án Vị trí việc làm chỉ thực sự có ý nghĩa khi được xây dựng và triển khai thực hiện một cách thực chất. Điều này cần được quán triệt và thực hiện nghiêm túc ở cả chủ thể có trách nhiệm xây dựng và chủ thể thẩm định. Nghị định 62/2020/NĐ-CP là văn bản mới nhất quy định về vị trí việc làm và biên chế công chức đã quy định rất rõ việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện vị trí việc làm và biên chế công chức. Do vậy, giải pháp quan trọng nhất vẫn là vai trò, trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, bên cạnh đó người làm công tác thẩm định đề án Vị trí việc làm (ở đây chủ trì là Sở Nội vụ) sẽ khách quan trong thực hiện nhiệm vụ.

Với sự khẩn trương, tích cực các cơ quan Nhà nước tỉnh Nam Định đã hoàn thành xây dựng, điều chỉnh Đề án vị trí việc làm; đây là tiền đề quan trọng của việc quản lý, tuyển dụng, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Nam Định; là một bước trong việc “Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực con người để xây dựng tỉnh Nam Định phát triển nhanh và bền vững” theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh đề ra./.

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác