Hướng về Điện Biên anh hùng tự hào dân tộc - tự hào về thế hệ cha ông
Chào mừng 70 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2024) - mốc son chói lọi về lịch sử hào hùng, vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Tuy không được trực tiếp hòa mình vào không khí ở Điện Biên những ngày này nhưng cảm xúc trong tôi cũng không khỏi bồi hồi xúc động khi lật giở từng trang trong hồ sơ tặng thưởng bằng khen “GIA ĐÌNH VẺ VANG” đang lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ - Sở Nội vụ tỉnh Nam Định cho những người lính đã anh dũng chiến đấu chống thực dân Pháp trong đó có những người đã trực tiếp tham gia chiến đấu trong chiến dịch Điện Biên năm xưa cùng gia đình của họ - hậu phương vững chắc để những người chiến sĩ ấy yên tâm chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc. Trong những gia đình được phong tặng đó có gia đình ông bà nội tôi.
Ngày nhỏ, được
nghe bà nội kể: thời chiến tranh chống Pháp, có thời điểm cả làng mình chỉ có 3
người tình nguyện đi bộ đội trong đó có ông nội tôi, anh trai của ông và một
người trong làng nữa. Sau này thì em trai của ông tôi cũng tình nguyện nhập ngũ
nhưng đã hi sinh và được công nhận là liệt sĩ.
Bà kể: “ông
nhập ngũ và tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, khi giải phóng Điện Biên thì ông
xin xuất ngũ, rồi lại tái ngũ, sau đó được cử sang Trung Quốc học và khi về
chuyển ngành làm việc ở Nhà máy gang thép Thái Nguyên. Đến năm 1969 thì ông bị
bệnh và chết. Thời kỳ đó giao thông và thông tin liên lạc không dễ dàng như bây
giờ nên khi ông chết thì gia đình và người thân ở quê không ai biết tin. Một
tháng sau, bà mới nhận được thông báo: ông bị ốm và đã được Nhà máy gang thép
Thái Nguyên đưa về Hà Nội điều trị nhưng bệnh trọng không qua được. Phía bệnh
viện và Nhà máy cũng đã tìm cách liên hệ với gia đình nhưng do trong địa chỉ họ
gửi về địa phương không chính xác tên xã nên thông tin thất lạc lâu. Khi nhận
được thông tin thì đã cách đó cả tháng rồi, các cơ quan và cá nhân có liên quan
đã mai táng cho ông tại nghĩa trang Văn Điển. Đến năm 1972 thì gia đình mới tổ
chức xin đưa hài cốt của ông về quê nhà”. Ông về với tổ tiên khi bà 34 tuổi, bố
tôi 12 tuổi, cô em bố 8 tuổi và chú út tròn 3 tuổi. Có lần tôi hỏi bà là sao bà
lại chọn lấy ông thì bà trả lời: vì ông là bộ đội cụ Hồ. Tôi lại bảo: là bộ đội
Bác Hồ chứ. Bà bảo: Bà gọi là Bác Hồ thì bố con gọi là Ông Hồ, đến các con phải
gọi là Cụ Hồ.
Từng lời kể của
bà nội chứa đựng tình cảm thương yêu, trân trọng và cả niềm tự hào của bà dành
cho ông– chiến sĩ Điện Biên - người lính Cụ Hồ năm ấy. 22 năm ở cùng bà nhưng
chỉ được nghe bà kể về ông, về chiếc lược chải tóc được bà nâng niu, quý trọng,
bà bảo “ông nhặt mảnh xác vỏ máy bay của thực dân trong chiến dịch Điện Biên làm
cho bà đấy” và được xem mấy quyển vở ghi khi ông đi học về kỹ thuật ở Trung Quốc.
Mỗi lần mở vở của ông cho chúng tôi xem, bà đều bảo: “chưa thấy có đứa con,
cháu nào viết chữ đẹp như ông”. Ký ức về ông nội của tôi chỉ có như vậy mà tôi đã
tự hào về ông của mình lắm.
Một ngày làm
việc như bao ngày làm việc của 15 năm tôi đã gắn bó nơi này (Trung tâm Lưu trữ
- Sở Nội vụ tỉnh Nam Định), trải qua việc trực tiếp thực hiện các nghiệp vụ lưu
trữ, đã cung cấp rất nhiều tài liệu để phục vụ nhu cầu của các cơ quan, tổ chức,
cá nhân. Nhưng hôm nay, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ rà soát, xác định
giá trị, lựa chọn, bổ sung tài liệu lưu trữ phông Ủy ban Hành chính tỉnh Nam Định
1945 – 1965, cảm xúc vỡ òa về niềm tự hào bấy lâu nay của mình chỉ được nghe
qua lời kể. Mắt thấy, tay cầm, đọc đi đọc lại từng chữ trong văn bản mà nước mắt
cứ trào ra. Đúng là Mỹ Hưng quê tôi, đúng là tên bà nội và ông nội tôi thật rồi.
Câu chuyện mà bà từng kể năm nào được minh chứng qua từng dòng chữ trong văn bản
lưu trữ mà tôi và các đồng nghiệp của mình đang trân trọng, gìn giữ: Nghị định số
883/NDB ngày 28 tháng 12 năm 1956 của Bộ Quốc phòng Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân
dân Việt Nam do Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ký “tặng thưởng bằng khen GIA ĐÌNH
VẺ VANG cho các gia đình có con em tòng quân, quán xã Mỹ Hưng, huyện Mỹ Lộc, tỉnh
Nam Định”.
…………………………………108
trường hợp.
Tiếp cận được
văn bản này khi bà đã theo ông 18 năm rồi nhưng nó cho tôi thêm tự tin, tự hào
hơn về ông, bà và gia đình mình. Từng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ, cung cấp
nhiều văn bản, tài liệu cho nhiều đối tượng độc giả khác nhau, chứng kiến nhiều
trạng thái, cảm xúc của độc giả khi nhận tài liệu từ mình để làm căn cứ giải
quyết công việc, giải quyết chế độ, … Mỗi khi cung cấp tài liệu cho độc giả là
mỗi lần tôi thêm yêu công việc của mình và các đồng nghiệp đang làm: rất âm thầm,
lặng lẽ, tưởng là đơn điệu, lặp đi lặp lại nhưng nó là cả 1 kho tàng căn cứ
mang biết bao giá trị văn hóa, chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng, … mà
chúng tôi đang hàng ngày, hàng giờ bảo quản và sẽ được phát huy giá trị mỗi khi
cá nhân, cơ quan, tổ chức tiếp cận được tài liệu lưu trữ. Nhân dịp kỷ niệm 70
năm chiến thắng Điện Biên Phủ, vừa là người rà soát, bổ sung, bảo quản, tổ chức
sử dụng đồng thời là độc giả khai thác tài liệu lưu trữ. Tôi thấy tự hào về nghề
mà mình đã và đang gắn bó, càng thêm tự hào về Tổ quốc Việt Nam, tự hào về thế
hệ cha ông của mình đã góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy
năm châu, chấn động địa cầu” là một trong những đỉnh cao chói lọi, được ghi vào
lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam như một Bạch Đằng, một
Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ 20.