image banner
Lịch sử hình thành và quá trình phát triển ngành Nội vụ tỉnh Nam Định
Lượt xem: 1104
Ngày 28/8/1945, Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ra tuyên cáo với 13 bộ và 15 Bộ trưởng, trong đó có Bộ Nội vụ do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Bộ trưởng đã đánh dấu sự ra đời của ngành Tổ chức Nhà nước trong cơ cấu tổ chức nhà nước Cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo.

Ngành Tổ chức Nhà nước mới thành lập ở chính quyền Trung ương trong điều kiện vừa làm việc, vừa xây dựng, hoàn thiện nhưng hoạt động của ngành (lúc này do Bộ Nội vụ đảm nhận) đã góp phần vào sự nghiệp xây dựng, củng cố bộ máy nhà nước của chính quyền nhân dân non trẻ, góp phần ổn định đất nước, đập tan âm mưu phản nghịch của các thế lực thù địch; góp phần vào việc tiêu diệt giặc đói, gặc dốt do phát xít Nhật và thực dân Pháp gây nên, cải thiện mọi mặt đời sống của xã hội.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954), ngành Tổ chức Nhà nước xây dựng chức năng, nhiệm vụ của tổ chức bộ máy các cơ quan của Chính phủ, ban hành Qui chế tổ chức các bộ, ngành; các khuôn mẫu về nhiệm vụ, chức năng của cơ cấu bộ; xây dựng cơ cấu tổ chức và chức năng nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn của Uỷ ban kháng chiến hành chính các địa phương. Đồng thời giúp Chính phủ xây dựng chế độ công chức, công vụ, quản lý công chức, xây dựng thang lương chung cho các ngạch và các hạng công chứcViệt Nam, qui định thể lệ tuyển dụng và tổ chức thi tuyển các ngạch công chức, những vấn đề hạnh kiểm và kỷ luật đối với công chức, ấn định số nhân viên tối đa giúp việc tại Văn phòng các Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh...

Khi miền Bắc được giải phóng, bước vào công cuộc xây dựng và bảo vệ CNXH, miền Nam tiếp tục cuộc kháng chiến chống Mỹ, xuất hiện nhiều vấn đề mới trong việc tổ chức bộ máy nhà nước, công chức, công vụ và các vấn đề xã hội khác được đặt ra. Chính quyền cấp tỉnh khi mới hình thành, ngành Tổ chức nhà nước ở tỉnh chỉ có một bộ phận, một phòng trong Uỷ ban Hành chính; giúp lãnh đạo tỉnh làm công tác quản lý tổ chức và cán bộ. Đến khi hình thành Ban Tổ chức và dân chính (tháng 10/1964) thuộc Uỷ ban hành chính tỉnh và lập các phòng Tổ chức dân chính thuộc Uỷ ban hành chính cấp huyện đánh dấu mốc mới trong việc hình thành một hệ thống Tổ chức Nhà nước hoàn chỉnh từ cấp Trung ương đến chính quyền cấp tỉnh, huyện. Với nhiệm vụ giúp Uỷ ban hành chính các cấp thực hiện các công việc như: xây dựng và kiện toàn bộ máy ở địa phương, quản lý cán bộ, xây dựng chính quyền cấp xã, tuyển cử ở cơ quan dân cử các cấp, quản lý chế độ chính sách gia đình miền Nam tập kết, gia đình B, C, K, bảo hiểm xã hội, tổng kết khen thưởng kháng chiến, hộ tịch, Việt kiều, cứu tế xã hội, quản lý đất đai...

Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của Mùa xuân 1975, đất nước ta được giải phóng và hoàn toàn thống nhất. Ban Tổ chức - Cán bộ ở các cấp đã làm tốt công tác tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền về tổ chức bộ máy, công chức, công vụ thống nhất từ trung ương đến địa phương, góp phần đẩy nhanh quá trình hàn gắn và khôi phục, phát triển sau chiến tranh ở các địa phương và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước.

Bước vào thời kỳ đổi mới đất nước (1986) thực hiện nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước đặt ra cho ngành Nội vụ những nhiệm vụ hết sức nặng nề, đó là kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền địa phương các cấp, thực hiện tách chức năng quản lý hành chính nhà nước với quản lý sản xuất, kinh doanh, phân cấp cho chính quyền địa phương và tổ chức bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, đẩy mạnh cải cách hành chính nhà nước theo hướng tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với cơ chế mới và xu hướng hội nhập khu vực, thế giới góp phần giữ gìn trật tự trị an xã hội, an ninh chính trị, tập trung phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày một tốt hơn. Cùng với đó, Chính phủ đã qui định lại tên gọi, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức thuộc ngành tổ chức Nhà nước từ Trung ương tới huyện cho phù hợp với nhiệm vụ chính trị của giai đoạn cách mạng mới. Từ khi Luật Tổ chức HĐND và UBND được ban hành (1994) thì chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của cấp chính quyền địa phương được xác định rõ hơn, nên vị trí, vai trò của Ban Tổ chức chính quyền tỉnh, phòng Tổ chức xã hội các huyện là cơ quan chuyên môn giúp UBND tỉnh, UBND huyện về công tác tổ chức, bộ máy, quản lý cán bộ - công chức, đào tạo bồi dưỡng cán bộ - công chức được xác định cụ thể, tạo nên một chỉnh thể thống nhất trong tuyển dụng, bố trí, sắp xếp, đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ công chức.

Ngành Tổ chức Nhà nước tỉnh Nam Định được ra đời ngay sau khi thành lập Uỷ ban hành chính tỉnh Nam Định. Năm 1965 trên cơ sở sáp nhập hai tỉnh Nam Định và Hà Nam thành tỉnh Nam Hà, đầu mối ngành Tổ chức Nhà nước lúc này là Ban Tổ chức dân chính tỉnh Nam Hà. Trong giai đoạn này, nhiều vấn đề mới về tổ chức bộ máy Nhà nước, công chức, công vụ và các vấn đề xã hội khác được đặt ra như bố trí cán bộ, công chức, nhân viên; sắp xếp, kiện toàn bộ máy chính quyền địa phương được thực hiện đã góp phần vào việc nhanh chóng ổn định tổ chức bộ máy chính quyền nhân dân ở Nam Hà, tạo cơ sở cho việc khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội sau chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, bước vào giai đoạn tập trung xây dựng và phát triển Tỉnh. Đến ngày 27/12/1975, Nam Hà được hợp nhất với Ninh Bình thành tỉnh Hà Nam Ninh, lúc này Ban Tổ chức dân chính tỉnh Hà Nam Ninh được thành lập. Ngày 26/12/1991, tỉnh Hà Nam Ninh được chia lại thành hai tỉnh Nam Hà và Ninh Bình như trước; tiếp đó đến ngày  01/01/1997, tỉnh Nam Định được tái lập, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh từng bước được thành lập và kiện toàn. Ban Tổ chức chính quyền - cơ quan tiền thân của Sở Nội vụ được thành lập trên cơ sở được chia tách từ tỉnh Nam Hà, Hệ thống tổ chức bộ máy lúc bấy giờ với 03 phòng, ban gồm: Phòng hành chính - Tổng hợp, phòng Xây dựng Chính quyền và phòng Tổ chức cán bộ. 

Ngày 20/11/2003, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 248/2003/QĐ-TTg đổi tên Ban Tổ chức chính quyền các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành Sở Nội vụ. Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh Nam Định ban hành Quyết định số 3554/2003/QĐ-UBND ngày 23/12/2003 về việc đổi tên Ban Tổ chức chính quyền tỉnh Nam Định thành Sở Nội vụ.

Năm 2008, thực hiện Thông tư số 04/2008/TT-BNV ngày 04/6/2008 của Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Nội vụ, Phòng Nội vụ thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện. UBND tỉnh Nam Định đã ký ban hành các Quyết định số 1978/QĐ-UBND ngày 01/10/2008 chuyển Trung tâm Lưu trữ tỉnh thuộc Văn phòng UBND tỉnh về trực thuộc Sở Nội vụ tỉnh Nam Định, Quyết định số 2003/QĐ-UBND ngày 03/10/2008 Thành lập Ban Thi đua - Khen thưởng thuộc Sở Nội vụ, Quyết định số 2004/QĐ-UBND ngày 03/10/2008 thành lập Ban Tôn giáo thuộc Sở Nội vụ. Ngày 17/10/2008 UBND tỉnh ký Quyết định số 21/2008/QĐ-UBND quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Nội vụ.

Năm 2010, căn cứ Thông tư số 02/2010/TT-BNV ngày 28/4/2010 của Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của tổ chức Văn thư, Lưu trữ Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 2694/QĐ-UBND ngày 10/12/2010 Quyết định Thành lập Chi cục Văn thư - Lưu trữ thuộc Sở Nội vụ

Năm 2011, căn cứ Thông tư số 04/2011/TT-BNV ngày 10/2/2011 của Bộ Nội vụ hướng dẫn bổ sung nhiệm vụ, tổ chức và biên chế của Sở Nội vụ, Phòng Nội vụ thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện về công tác thanh niên. UBND tỉnh Nam Định đã ban hành Văn bản số 05/2011/QĐ-UBND ngày 28/3/2011 Quyết định bổ sung nhiệm vụ cho Sở Nội vụ và thành lập Phòng Công tác thanh niên thuộc Sở Nội vụ

Năm 2012, UBND tỉnh Nam Định ban hành Quyết định số 1148/QĐ-UBND ngày 07/8/2012 thành lập Phòng Cải cách hành chính thuộc Sở Nội vụ.

Năm 2017, thực hiện Thông tư số 15/2014/TT-BNV ngày 31/10/2014 của Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Nội vụ thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Phòng Nội vụ thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định đã ban hành Quyết định số 08/2017/QĐ-UBND ngày 10/4/2017 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Nội vụ theo đó cơ cấu tổ chức của Sở Nội vụ giảm 02 phòng chuyên môn là phòng Đào tạo, bồi dưỡng và phòng Công tác thanh niên. Sở Nội vụ đã thực hiện sáp nhập phòng Xây dựng chính quyền và Phòng Công tác thanh niên thành phòng Xây dựng chính quyền và Công tác thanh niên; sáp nhập phòng Đào tạo bồi dưỡng vào phòng Cán bộ, công chức, đổi tên thành Phòng Công chức, viên chức. Đổi tên phòng Tổ chức biên chế tiền lương thành phòng Tổ chức biên chế và Tổ chức phi chính phủ.

Thực hiện Nghị định số 107/2020/NĐ-CP, ngày 14/9/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các phòng, ban, đơn vị thuộc Sở Nội vụ tiếp tục thực hiện sắp xếp, sáp nhập, tổ chức lại. Cụ thể, sáp nhập phòng Cải cách hành chính và phòng Tổ chức biên chế và Tổ chức phi chính phủ, đổi tên thành phòng Tổ chức bộ máy; thành lập mới trung tâm Lưu trữ tỉnh và phòng Văn thư - Lưu trữ trên cơ sở tổ chức lại chi cục Văn thư - Lưu trữ. Đến nay, tổ chức bộ máy của Sở Nội vụ gồm 09 đơn vị: Văn phòng sở, Thanh tra sở, Phòng Tổ chức bộ máy, Phòng Công chức, viên chức, Phòng Xây dựng chính quyền, Phòng Văn thư - lưu trữ, Ban Thi đua - khen thưởng, Ban Tôn giáo, Trung tâm lưu trữ tỉnh.

Cùng với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, ngày 09/02/2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2/2021/QĐ-UBND ngày 09/02/2021 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Nội vụ, theo đó hiện nay Sở Nội vụ là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, có chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về: Tổ chức bộ máy: vị trí việc làm; biên chế công chức, cơ cấu ngạch công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính; vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập; tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức; xây dựng chính quyền; địa giới hành chính; cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, công chức cấp xã; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, công chức cấp xã; những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; tổ chức hội, tổ chức phi chính phủ; văn thư, lưu trữ nhà nước; tôn giáo; thi đua - khen thưởng; công tác thanh niên.

Từ ngày được thành lập cho đến nay, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ngành Nội vụ tỉnh Nam Định đều đoàn kết, nỗ lực, cố gắng, quyết tâm hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, từng bước khẳng định vai trò, vị trí vững chắc của mình trong các cơ quan tham mưu giúp việc của UBND tỉnh, được Trung ương và Tỉnh ghi nhận và tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý:

Năm 2003: Được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (Quyết định số 500-QĐ/CTN ngày 01/8/2003);

Năm 2007: Được Bộ Nội vụ tặng thưởng Cờ cho đơn vị hoàn thành xuất sắc công tác tổ chức nhà nước năm 2007

Năm 2008: Được Chính phủ tặng thưởng Cờ cho đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2008

Năm 2009: Được Chính phủ tặng thưởng Cờ cho đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2009

Năm 2009: Được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì (Quyết định số 1236-QĐ/CTN ngày 24/8/2009);

Năm 2014: Được Uỷ ban nhân dân tỉnh tặng thưởng Cờ cho đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2014.

Năm 2015: Được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Nhất (Quyết định số 1537/QĐ-CTN ngày 29/7/2015);

Năm 2016: Được Chính phủ tặng thưởng Cờ cho đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2016;

Năm 2017: Được UBND tỉnh tặng thưởng Cờ cho đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2017;

Năm 2020: Được Bộ Nội vụ tặng thưởng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua ngành Nội vụ năm 2020.

Năm 2020: Được Bộ Nội vụ tặng thưởng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2022.

Năm 2020: Được Chính phủ tặng thưởng Cờ cho đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2020.

Năm 2021: Được Chủ tịch UBND tỉnh tặng thưởng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp tỉnh Nam Định nhiệm kỳ 2021-2026.

Năm 2021: Được Bộ Nội vụ tặng thưởng Cờ cho đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua  ngành Nội vụ năm 2021 Cụm thi đua các tỉnh, thành Bắc Bộ.

Cùng với các thành tích đạt được của tập thể, nhiều cá nhân của Sở cũng được Trung ương và Tỉnh ghi nhận, biểu dương, khen thưởng bằng nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương của Chủ tịch nước, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ, UBND tỉnh đã đóng góp chung vào thành tích toàn ngành Nội vụ tỉnh Nam Định.

Nhiệm vụ của ngành Nội vụ nói chung và Sở Nội vụ tỉnh Nam Định nói riêng còn nhiều gian nan, khó khăn ở phía trước. Nhưng với quyết tâm, tinh thần trách nhiệm và truyền thống tốt đẹp của ngành, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND Tỉnh Nam Định, toàn thể cán bộ, công chức ngành Nội vụ tỉnh tiếp tục  nỗ lực phấn đấu, quyết tâm vượt khó, đóng góp ngày càng nhiều hơn vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển của tỉnh nhà./.

Tin khác
1 2 
image advertisement
anh tin bai

image advertisement
image advertisement
image advertisement
anh tin bai

image advertisement
anh tin bai
image advertisement
Video Sự Kiện
  • Đề án: Mở rộng địa giới hành chính TP Nam Định, thành lập 03 phường và sắp xếp ĐVHC cấp xã thuộc TP Nam Định, huyện Mỹ Lộc và Đề án: Sắp xếp ĐVHC cấp xã tỉnh Nam Định
  • Video: Tiền thưởng các danh hiệu thi đua, khen thưởng từ 2024 tăng mạnh?
  • Lương Hưu Đang Hưởng Bị Cắt Khi Nào? Có Được Nhận Quyền Lợi Thay Thế Không?
  • Video: Cách phân loại để trả lương theo vị trí việc làm như thế nào?
  • Video: [Dự đoán] Mức lương cơ sở năm 2024 sẽ như thế nào?
1 2 3 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1