image banner
Hội nghị sơ kết công tác ngành Nội vụ 06 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2024
Lượt xem: 39

Sáng ngày 08/7/2024, tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị với các địa phương sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2024. Dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Ban Tổ chức Trung ương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ; các đồng chí Thứ trưởng, lãnh đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ; đại diện các tổ chức chính trị - xã hội của Bộ; lãnh đạo Sở Nội vụ và công chức liên quan các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

anh tin bai

Quang cảnh Hội nghị

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà phát biểu khai mạc Hội nghị và nhấn mạnh, ngành Nội vụ đã vượt qua khó khăn, thách thức, không ngừng đổi mới, sáng tạo và tạo được những chuyển biến quan trọng, tích cực trên các lĩnh vực, đóng góp quan trọng vào kết quả chung của đất nước và địa phương. Đồng thời cũng nhìn nhận ngành Nội vụ còn nhiều khó khăn, hạn chế, bất cập trước yêu cầu thực tiễn đòi hỏi của sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển, đặc biệt trong bối cảnh đất nước còn phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức hơn là thuận lợi. Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo Sở Nội vụ các địa phương phát huy tinh thần trách nhiệm, phát biểu ngắn gọn, thẳng thắn, chất lượng, đề xuất kiến nghị xác đáng từ thực tiễn; lãnh đạo Bộ Nội vụ, lãnh đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ nghiên cứu các ý kiến, tiếp thu và trao đổi, giải đáp, chia sẻ những kiến nghị của các địa phương một cách cụ thể, rõ vấn đề, có chất lượng.

anh tin bai

Đồng chí Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại Hội nghị

Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, dưới sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành Nội vụ đã bám sát mục tiêu, nhiệm vụ được giao triển khai thực hiện bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, chất lượng, phát huy tinh thần chủ động, tích cực gắn trách nhiệm người đứng đầu và thể chế hóa đến từng cá nhân trong việc tham mưu, thực hiện nhiệm vụ. Bộ Nội vụ đã lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành với nhiều đổi mới, tập trung, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước; quyết liệt triển khai Chương trình hành động của Chính phủ, các Nghị quyết, Kết luận, Chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chương trình công tác năm 2024 và Kế hoạch hành động của Đảng bộ các địa phương liên quan đến lĩnh vực Nội vụ; kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh từ thực tiễn bảo đảm yêu cầu, nhiệm vụ đề ra. Công tác phối hợp giữa Bộ Nội vụ với các bộ, ngành, địa phương được cải thiện nhiều qua từng năm. Qua đó đã nắm bắt được những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở để kịp thời tham mưu, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chính sách, pháp luật thuộc lĩnh vực nội vụ và giải đáp kiến nghị, đề xuất của các địa phương tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ, ngành Nội vụ.

 Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã trình bày 8 tham luận, đề xuất, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, xác đáng từ thực tiễn công tác quản lý nhà nước của ngành Nội vụ tại địa phương. Sở Nội vụ các địa phương đã tích cực tham mưu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện tốt các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực chính quyền địa phương. Trong đó có nhiệm vụ trọng tâm về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025, tiêu biểu như: Nam Định, Tuyên Quang, Hà Nội, Thừa Thiên - Huế, Sóc Trăng, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Cần Thơ, Phú Yên, Tiền Giang, Hải Dương.

         Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Nam Định Triệu Đức Hạnh là đại biểu đầu tiên tham luận tại Hội nghị, đã chia sẻ giải pháp tổ chức thực hiện tốt việc sắp xếp đơn vị hành chính tại địa phương có sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện và nhiều trường hợp sắp xếp, nhập 03 xã thành một xã.

anh tin bai

Đồng chí Giám đốc Sở Nội vụ Nam Định Triệu Đức Hạnh phát biểu tại hội nghị

Đối với Nam Định, trước khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo Kết luận số 48-KL/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có 10 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 9 huyện và thành phố Nam Định); có 226 xã, phường, thị trấn (gồm 188 xã, 22 phường, 16 thị trấn). Giai đoạn 2023-2025 tỉnh Nam Định thực hiện sắp xếp với số lượng lớn, đứng thứ 5 toàn quốc (cấp huyện: nhập huyện Mỹ Lộc vào thành phố Nam Định, cấp xã: sắp xếp 77 đơn vị cấp xã thành 26 đơn vị cấp xã mới; trong đó có 25 phương án nhập 03 đơn vị thành 01 đơn vị cấp xã mới, chỉ có 01 phương án nhập 02 đơn vị thành 01 đơn vị cấp xã mới); không thực hiện đặc thù trong sắp xếp đơn vị hành chính. Sau sắp xếp tỉnh Nam Định có 09 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 08 huyện và 01 thành phố), có 175 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 146 xã, 14 phường, 15 thị trấn); giảm 01 đơn vị hành chính cấp huyện, 51 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 42 xã, 08 phường, 01 thị trấn).

Trong quá trình lập hồ sơ Đề án bảo đảm trình tự, thủ tục theo đúng quy định: Xây dựng Phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 trên cơ sở ý kiến của Bộ Nội vụ và 13 Bộ, cơ quan trung ương liên quan; Trên cơ sở Phương án tổng thể đã được phê duyệt, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng 02 Đề án: (1) Đề án nhập huyện Mỹ Lộc vào thành phố Nam Định và thành lập, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc thành phố Nam Định, (2) Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Nam Định giai đoạn 2023-2025. Cùng với triển khai xây dựng 02 Đề án trên, tỉnh Nam Định chủ động tiến hành đồng thời việc hoàn thiện các điều kiện, tiêu chuẩn (trong đó có trình tự, thủ tục liên quan đến quy hoạch và phân loại, rà soát đánh giá chất lượng đô thị) theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng, Bộ Nội vụ. Khi hoàn thiện hồ sơ Đề án trình Chính phủ, tỉnh đã có Quyết định phân loại đô thị, Báo cáo trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đối với khu vực dự kiến thành lập các phường. Việc tổ chức lấy ý kiến cử tri phù hợp với đặc điểm dân cư, dân chủ, công khai, đúng quy định của pháp luật. Đa số cử tri đều đồng tình, ủng hộ, thống nhất cao với phương án sắp xếp, thành lập và tên gọi của các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã hình thành sau sắp xếp. Hội đồng nhân dân các cấp thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã với tỷ lệ đại biểu tán thành 100%.

Nam Định là tỉnh đầu tiên trình Bộ Nội vụ thẩm định Đề án, trước thời hạn đăng ký là 45 ngày (thời hạn đăng ký là ngày 30/4/2024).

Để đạt được những kết quả nổi bật nêu trên, tỉnh Nam Định đã triển khai đồng bộ, kịp thời các giải pháp để thực hiện tốt việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025, cụ thể như sau:

Thứ nhất, quán triệt đầy đủ, kịp thời chủ trương của Đảng, Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị, các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ; Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định đã khẩn trương, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức phổ biến, tuyên truyền, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong toàn hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; sự đồng thuận, ủng hộ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân. Cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025. Tổ chức quán triệt, phổ biến chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 đến chi bộ đảng. Các cấp, các ngành, địa phương chú trọng và đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trong toàn hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.

Thứ hai, chỉ đạo quyết liệt, chủ động triển khai đồng bộ trong toàn hệ thống chính trị từ tỉnh tới cơ sở thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã: tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 do đồng chí Bí thư cấp ủy là Trưởng ban Chỉ đạo. Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, lãnh đạo tổ chức thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 112/KH-UBND ngày 15/8/2023 về thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Nam Định giai đoạn 2023-2025; trong đó phân công rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Nam Định giai đoạn 2023-2025. Xác định trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan, đơn vị, địa phương gắn với việc phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu (từ Bí thư chi bộ, Trưởng thôn (xóm), Tổ trưởng tổ dân phố đến Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện; Giám đốc các sở, ngành, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan). Kết quả thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là một tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu. Xác định cụ thể nội dung công việc, lộ trình tiến độ và thời điểm hoàn thành, kết quả thực hiện đối với từng công việc theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền trong thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 để kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở; đồng thời tập trung xử lý, tháo gỡ khó khăn ngay những vướng mắc để hoàn thành dứt điểm từng việc theo tiến độ đề ra.

Thứ ba, ban hành chính sách hỗ trợ mang tính đột phá đối với cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư sau sắp xếp

Tỉnh xây dựng phương án bố trí, sắp xếp cụ thể để giải quyết đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã, người hoạt động không chuyên trách cấp xã theo lộ trình từng năm. Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 141/2023/NQ-HĐND ngày 09/12/2023 quy định về chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Nam Định giai đoạn 2023-2025; trong đó nếu nghỉ trong thời gian 12 tháng kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực thi hành thì được hưởng mức hỗ trợ tối đa 30 tháng lương, đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã thì được hỗ trợ 03 tháng phụ cấp hiện hưởng (không tính phụ cấp kiêm nhiệm).

Thứ tư, tạo sự đồng thuận về chính sách đối với người dân trong thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã

Tên gọi của đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp được các địa phương nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng trong quá trình đặt tên của đơn vị hành chính sau sắp xếp, bảo đảm sự đồng thuận, thống nhất của người dân. Đa số cử tri nhất trí cao với dự kiến tên gọi của đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp.

Ổn định hệ thống y tế, giáo dục cơ sở: giữ nguyên hiện trạng tổ chức bộ máy, nhân sự, cơ sở vật chất để không ảnh hưởng đến việc khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dânviệc di chuyển của học sinh, đảm bảo chất lượng dạy và học; sử dụng hợp lý, tiết kiệm cơ sở vật chất hiện có của trạm y tế và của các trường.

Xử lý trụ sở công cấp xã theo nguyên tắc: 01 trụ sở cho Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã, 01 trụ sở cho Công an xã, 01 trụ sở cho thiết chế văn hóa cơ sở. Tỉnh đã lập danh sách và dự kiến phương án, lộ trình trong từng năm để giải quyết trụ sở, tài sản công dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 nhằm giải quyết kịp thời, hiệu quả, hạn chế lãng phí.

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Nam Định đã được tích hợp vào quy hoạch tỉnh Nam Định theo Quyết định 1729/QĐ-TTg ngày 28/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định số 1422/QĐ-TTg ngày 17/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Nam Định đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

Để đạt được những kết quả nổi bật trên, công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Nam Định giai đoạn 2023 - 2030 được chuẩn bị và triển khai thực hiện rất chủ động, quyết liệt, linh hoạt với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh và sự phối hợp, hỗ trợ của Bộ Nội vụ, các Bộ, cơ quan trung ương liên quan.

Sau khi Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực thi hành; tỉnh Nam Định sẽ tổ chức thực hiện Kế hoạch triển khai Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã tỉnh Nam Định giai đoạn 2023 - 2025 bảo đảm hiệu quả, đúng tiến độ.

            Việc nhập huyện Mỹ Lộc vào thành phố Nam Định, thành lập, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Nam Định là hoàn toàn phù hợp với chủ trương đường lối của Đảng và nhà nước, đáp ứng với nguyện vọng của nhân dân, tạo thuận lợi cho sự phát triển đô thị của tỉnh Nam Định trong hệ thống đô thị vùng phía nam đồng bằng sông Hồng và trong hệ thống đô thị toàn quốc, và cũng là điều kiện quan trọng để tạo lập vị thế thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư tạo động lực phát triển kinh tế xã hội của thành phố Nam Định mở rộng nói riêng và tỉnh Nam Định nói chung./.

Phòng Xây dựng chính quyền
Tin khác
1 2 3 
image advertisement
anh tin bai

image advertisement
image advertisement
image advertisement
anh tin bai

image advertisement
anh tin bai
image advertisement
Video Sự Kiện
  • Trưng bày tài liệu lưu trữ nhân kỷ niệm 70 năm giải phóng thành phố 1/7/1954 - 1/7/2024 với chủ đề: “Giải phóng thành phố Nam Định: xây dựng hậu phương vững chắc cho tiền tuyến anh hùng”
  • Kết quả phong trào thi đua yêu nước tỉnh Nam Định năm 2023
  • Đề án: Mở rộng địa giới hành chính TP Nam Định, thành lập 03 phường và sắp xếp ĐVHC cấp xã thuộc TP Nam Định, huyện Mỹ Lộc và Đề án: Sắp xếp ĐVHC cấp xã tỉnh Nam Định
  • Video: Tiền thưởng các danh hiệu thi đua, khen thưởng từ 2024 tăng mạnh?
  • Lương Hưu Đang Hưởng Bị Cắt Khi Nào? Có Được Nhận Quyền Lợi Thay Thế Không?
1 2 3 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1