1. Tuyệt đối không thăm, chúc Tết lãnh đạo và biếu, nhận quà Tết
Đây là một trong những việc công chức không được làm dịp Tết nhất định phải nhớ. Theo đó, công chức không được lợi dụng dịp Tết 2023 để tặng quà, tiền bạc… cho lãnh đạo hoặc người có thẩm quyền để nhằm mục đích vụ lợi cho bản thân.
Bởi hành vi này của công chức có thể bị coi là chạy chức, chạy quyền theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 10 Quy định 205 năm 2019:
Tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, nhất là các dịp lễ Tết, sinh nhật và các cơ hội khác, sử dụng danh nghĩa tình cảm cá nhân hoặc danh nghĩa tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân khác để tặng quà, tiền, bất động sản, sắp xếp các hoạt động vui chơi, giải trí cho cán bộ lãnh đạo, người có thẩm quyền hoặc người có liên quan nhằm mục đích được sự ủng hộ, tín nhiệm, được vị trí, chức vụ, quyền lợi.
Nếu người nào vi phạm, tùy mức độ, hành vi có thể bị kỷ luật từ mức khiển trách, cảnh cáo, cách chức hoặc khai trừ ra khỏi Đảng tuỳ vào mức độ vi phạm.
Cụ thể, Quy định 205 đã nêu rõ các biểu hiện sẽ bị kỷ luật tương ứng gồm:
STT
|
Hình thức kỷ luật
|
Chi tiết
|
1
|
Khiển trách
|
- Đang trong quy hoạch cán bộ thì đưa ra khỏi quy hoạch và sau ít nhất 18 tháng mới được xem xét lại;
- Không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra;
|
2
|
Cảnh cáo
|
- Xem xét thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm;
- Nếu đang trong quy hoạch cán bộ thì đưa ra khỏi quy hoạch và sau ít nhất 30 tháng mới được xem xét lại;
|
3
|
Cách chức
|
- Nếu đang trong quy hoạch cán bộ thì đưa ra khỏi quy hoạch và sau ít nhất 60 tháng mới được xem xét lại;
- Không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra;
|
4
|
Khai trừ ra khỏi Đảng
|
Xem xét buộc thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động
|
Đặc biệt, nếu vi phạm này đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng và công chức có thể đối mặt với mức phạt tù là 20 năm của Tội đưa hối lộ quy định tại Điều 364 Bộ luật Hình sự năm 2015.
2. Không dùng tài sản công để tặng quà, chúc Tết sếp
Không chỉ không được sử dụng tài sản, tiền bạc… của mình để tặng quà lãnh đạo, người quản lý trực tiếp của mình dưới bất kì hình thức nào, công chức còn không được sử dụng tài chính công, tài sản công làm quà tặng.
Nội dung này được nêu tại Điều 22 Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018:
1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được sử dụng tài chính công, tài sản công làm quà tặng, trừ trường hợp tặng quà vì mục đích từ thiện, đối ngoại và trong trường hợp cần thiết khác theo quy định của pháp luật.
2. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình.
Như vậy, trong dịp Tết này, không được trực tiếp hoặc gián tiếp dùng tài sản công, tiền của công để làm quà tặng chúc Tết lãnh đạo trong bất kỳ trường hợp nào trừ tặng quà từ thiện, đối ngoại hoặc trường hợp cần thiết khác.
3. Cấm đi lễ chùa, lễ hội dịp Tết nếu không được phân công
Đây cũng là một trong những hành vi công chức không được làm dịp Tết nêu tại Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 18/11/2022 về việc tổ chức Tết năm 2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng:
[…] chỉ dự lễ chùa, lễ hội khi được phân công; không tham gia các hoạt động mê tín dị đoan […]
Theo chỉ đạo này, công chức không được đi lễ chùa, lễ hội trong dịp Tết 2023 nếu không được phân công.
4. Cấm đánh bài dưới mọi hình thức
Chơi bài, đánh bạc trái phép là một trong những hành vi bị cấm của pháp luật. Theo đó, người nào đánh bạc trái phép bằng hình thức xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ… mà được, thua bằng tiền, hiện vật… thì có thể bị một trong các hình thức xử lý sau đây:
- Phạt tiền đến 20 triệu đồng (theo Điều 28 Nghị định 144/2021/NĐ-CP);
- Phạt tù đến 07 năm về Tội đánh bạc nêu tại Điều 321 Bộ luật Hình sự hiện nay.
- Đảng viên nếu đánh bạc trái phép thì có thể bị khai trừ khỏi Đảng khi gây ra hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý về hành vi đánh bạc nhưng vẫn tiếp tục tái phạm (căn cứ khoản 3 Điều 49 Quy định 69-QĐ/TW).
5. Không dùng xe công trái pháp luật đi du xuân
Một trong những hành vi tham nhũng trong khu vực Nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị Nhà nước thực hiện là lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi (căn cứ điểm i khoản 1 Điều 2 Luật Phòng chống tham nhũng 2018).
Trong đó, việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để dùng xe công đi du xuân, thăm hỏi, chúc Tết lãnh đạo… là một trong số các biểu hiện của hành vi tham nhũng nêu trên.
Cụ thể, nếu cán bộ, công chức, viên chức sử dụng tài sản công trong đó có xe ô tô không đúng mục đích hoặc sử dụng vào mục đích cá nhân như đi du xuân, lễ hội… trái pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định 63/2019/NĐ-CP.
Trên đây là tổng hợp 05 điều công chức không được làm dịp Tết 2023 này./.
LuatVietnam
Nguồn: https://luatvietnam.vn/can-bo-cong-chuc/cong-chuc-khong-duoc-lam-trong-dip-tet-2021-566-28678-article.html